Chủ đề

Điều trị phòng ngừa Sỏi Niệu
27-01-2009  11:26:29 GMT +7

ÐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA SỎI TIẾT NIỆU

                                                                                    BS CK2. VŨ VĂN TY 

Khoa Niệu A - Bệnh viện Bình Dân TP.Hồ Chí Minh

 

 

 

 Kính thưa quí vị và các bạn,

 

  • Bệnh sỏi đường tiết niệu đã được ghi nhận từ khi bắt đầu lịch sử nhân loại, các nhà khảo cổ đã khám phá thấy sỏi niệu trong các xác ướp cổ Ai Cập có 7.000 năm tuổi. Trong quá khứ đã có nhiều phương pháp điều trị sỏi niệu, nhưng không có phương pháp nào tỏ ra hoàn toàn tốt. Thập niên vừa qua, với sự phát triển của tán sỏi ngoài cơ thể và tán sỏi qua nội soi đã giúp vấn đề điều trị sỏi niệu được hiệu quả hơn, giảm bớt phần mổ hở trong việc điều trị sỏi đường tiết niệu, gồm sỏi nằm trong thận, ở niệu quản, trong bàng quang hoặc sỏi kẹt ở niệu đạo.

  • Tại sao lại có bệnh sỏi niệu? Bệnh sỏi niệu là một quá trình phức tạp do nhiều yếu tố gây ra mà người ta chưa hiểu hết. Một số nguyên nhân được biết như sau:

Các tinh thể có thể kết tủa lại: Các chất thoái biến của cơ thể hòa tan trong nước tiểu để được đưa ra ngoài, vì một lý do nào đó kết tinh lại và tạo sỏi.

Khí hậu nóng bức gây đổ mồ hôi nhiều khiến nước tiểu trở thành cô đặc dễ tạo sỏi.

Nhiễm trùng niệu dễ gây kết tụ sỏi.

Một số thực phẩm chứa nhiều chất calcium, oxalat, acid uric v.v. nếu ta ăn nhiều quá sẽ dễ tạo sỏi.

Những bất thường trong hệ niệu gây trở ngại làm chậm dòng chảy nước tiểu hoặcbế tắc đường tiểu sẽ dễ gây tích tụ sỏi.

Về điều trị sỏi đường tiết niệu , có các nguyên tắc chính như sau :

  • Sỏi niệu nhỏ hơn 4-5 mm có thể tự ra theo nước tiểu mà không cần điều trị gì. Chỉ cần uống nhiều nước khoảng 3 lít / ngày.

  • Sỏi nhỏ trên thận không gây bế tắc, đau hoặc nhiễm trùng chỉ cần điều trị nội khoa.

  • Sỏi niệu gây nhiễm trùng hoặc bế tắc có chỉ định can thiệp ngoại khoa càng sớm càng tốt.

  • Tùy theo vị trí của sỏi niệu mà người ta có những phương pháp điều trị khác nhau.

1- Mổ hở :

  •     Tất cả các loại sỏi niệu đều có thể điều trị được bằng mổ hở. Ðây là phương pháp điều trị sỏi niệu xưa nay .Ðiều bất lợi của mổ hở là đau vết mổ,nằm bệnh viện lâu, có thể hơn 1 tuần, vấn đề thẩm mỹ: bệnh nhân bị vết sẹo mổ. Ngoài ra, khi sỏi tái phát sau này, việc mổ hở sẽ càng khó khăn hơn.

2- Tán sỏi ngoài cơ thể:

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học,người ta đã phát minh ra máy tán sỏi ngoài cơ thể. Các sỏi thận có đường kính nhỏ hơn 15mmsỏi niệu quản đoạn trên có thể điều trị được bằng tán sỏi ngoài cơ thể mà không cần phải mổ. Sỏi thận lớn hơn 15mm khó có thể tán vỡ được bằng tán sỏi ngoài cơ thể,ngoài ra các mảnh vụn sỏi có thể rơi xuống dưới và làm bế tắc niệu quản.

  • Bệnh nhân được chuẩn bị đơn giản hơn so với các phương pháp khác, chẳng hạn đau nhẹ nên không cần phải gây mê mà chỉ cần dùng thuốc giảm đau và thuốc an thần. Bệnh nhân nằm lên bàn của máy tán sỏi, người ta chích thuốc an thần cho bệnh nhân, sau đó dùng siêu âm hoặc X-quang để định vị trí sỏi. Năng lượng tạo nên từ sóng siêu âm, thủy động lực v.v.của máy sẽ khu trú vào viên sỏi và phá vỡ sỏi. Trên nguyên tắc năng lượng khu trú vào viên sỏi và không gây hại phần mô thận xung quanh. Tuy nhiên vấn đề cũng còn tùy thuộc loại máy, ở bộ phận định vị của máy tán sỏi có khu trú chính xác vào viên sỏi không. Thời gian cho một lần tán sỏi kéo dài khoảng 1 giờ. Sau khi tán sỏi, bệnh nhân có thể ra về ngay mà không cần nằm lại bệnh viện. Sau khi về nhà bệnh nhân cần uống nhiều nước để sỏi vụn có thể ra theo nước tiểu. Ðối với sỏi cứng hoặc có kích thước lớn người ta cần tán sỏi bổ sung thêm ?một vài lần sau một thời gian.

3- Lấy sỏi thận qua da :

  • Ðây là phương pháp nội soi để điều trị những sỏi thận lớn, không tán sỏi ngoài cơ thể được. Phương pháp này cần gây mê toàn diện. Người ta dùng kim chọc dò thận dưới sự hướng dẫn của máy X-quang hoặc siêu âm. Ðặt 1 dây dẫn đường vào thận và nong đường từ ngoài thành hông lưng vào,tạo một đường hầm vào thận,sau đó đặt một ống thao tác vào thận . Dùng máy soi thận đặt qua ống thao tác quan sát thấy sỏi trong thận, tán vỡ sỏi bằng máy tán sỏi xung hơi hoặc siêu âm và gắp ra từng mảnh sỏi vụn cho đến khi hết sỏi. Sau khi gắp hết sỏi, soi kiểm tra lại trong thận và đặt một ống thông mở thận ra da dẫn lưu nướctiểu, ống thông này sẽ được rút ra sau 3 đến 5 ngày.

  • Phương pháp lấy sỏi qua da giúp cho bệnh nhân không bị vết mổ hở, đau đớn sau mổ và vấn đề thẩm mỹ. Ngoài ra phương pháp này giúp điều trị sỏi thận tái phát dễ dàng hơn là mổ hở. Thời gian nằm viện trung bình vào khoảng 5 ngày.

4- Tán sỏi niệu quản qua nội soi :

  • Phương pháp này cũng cần gây mê cho bệnh nhân. Bệnh nhân nằm trên bàn nội soi, người ta dùng máy soi niệu quản soi qua niệu đạo, vào bàng quang và lên niệu quản. Khi nhìn thấy sỏi, dùng máy tán sỏi xung hơi, siêu âm, thủy động lực hoặc tốt nhất là máy phát tia laser để phá vỡ vụn sỏi ra. Các mảnh vụn sỏi có thể được lôi ra ngoài bằng ống thông giỏ. Ðối với các mảnh vụn nhỏ, bệnh nhân có thể tự tiểu ra được. Sau khi tán sỏi hoặc lôi sỏi xong, người ta đặt một ống thông lên niệu quản và một ống thông tiểu. Sau nội soi 2 đến 3 ngày, người ta rút các ống thông đó ra và bệnh nhân có thể xuất viện. Về nhà bệnh nhân cần uống nhiều nước để sỏi vụn có thể ra theo nước tiểu được.

 5- Sỏi bàng quang :

Ðối với sỏi lớn hơn 25mm ta nên mổ hở .Sỏi nhỏ hơn, người ta có thể tán vỡ sỏi qua nội soi bàng quang bằng máy thủy động lực hoặc bóp vỡ sỏi bằng kềm bóp sỏi,sau đó bệnh nhân sẽ tự tiểu ra các mảnh vụn sỏi.

PHÒNG NGỪA SỎI NIỆU TÁI PHÁT

  • Vấn đề phòng ngừa sỏi niệu tái phát rất quan trọng bởi vì sau khi mổ hoặc nội soi một thời gian, sỏi niệu có khuynh hướng tái phát trở lại. Cho nên sau khi xuất viện một thời gian khoảng 1 đến 2 tháng, bệnh nhân cần tái khám trở lại và làm các xét nghiệm bổ sung như:

    •   Ðo nồng độ calcium, phosphor và acid uric trong huyết thanh.

    •   Ðo nồng độ creatinine, calcium, phosphor, acid uric và oxalat trong nước tiểu 24 giờ.

  •  Nếu nồng độ các chất trên trong huyết thanh cao hơn bình thường hoặc thải ra nhiều trong nước tiểu, người ta cần tìm hiểu nguyên nhân để điều trị hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống cho thích hợp để tránh tái phát sỏi.

VAI TRÒ THỰC PHẨM TRONG SỎI NIỆU

Một số những thay đổi trong cách ăn uống cũng giúp giới hạn sự tạo thành sỏi niệu:

1- Uống nhiều nước:

  • Ðây là cách phòng ngừa sỏi niệu một cách hiệu quả, an toàn và rẻ tiền nhất. Nước ta có khí hậu nóng, người ta đổ mồ hôi nhiều, nước tiểu cô đặc lại dễ tạo sỏi nên chúng ta cần uống nhiều nước để nước tiểu loãng ra.

  • Chúng ta nên uống khoảng 2,5 đến 3 lít nước lọc mỗi ngày hoặc ăn uống làm sao để có lượng nước tiểu đạt được trên 2,5 lít trong một ngày.

         2- Ăn lạt - Ăn ít thịt động vật :

  • Không nên ăn mặn và không nên ăn nhiều thịt. Thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều chất đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích sự bài tiết chất calcium và cystine gây ra sỏi niệu, ngoài ra còn làm giảm bài tiết chất citrat giúp ngăn chận sự tạo thành sỏi niệu.

  • Mặc khác, thực phẩm ít muối và ít chất đạm động vật còn giúp chúng ta tránh các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, thiểu năng động mạch vành.

3- Ăn uống điều độ thực phẩm có chứa chất calcium:

  • Sữa tươi chứa nhiều calcium. Mỗi ngày chúng ta có thể dùng khoảng 3 ly sữa tươi hoặc một số lượng tương đương các sản phẩm từ sữa như bơ,pho mai v.v...

  • Không nên kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa calcium vì như thế sẽ gây ra mất cân bằng trong việc hấp thụ chất calcium, khiến cho cơ thể tái hấp thụ nhiều hơn chất oxalat từ ruột và sẽ tạo ra sỏi niệu.

  • Người ta tin rằng lượng calcium ăn vào khoảng 800 - 1300mg mỗi ngày sẽ giúp làm giảm sự bài tiết chất oxalat trong nước tiểu. Tuy nhiên chúng ta cần nhớ là chỉ có chất calcium chứa trong thực phẩm mới có giá trị, thuốc men có chứa calcium không giúp ích gì trong việc tránh sự tạo thành sỏi niệu. Ngoài ra, nếu kiêng cữ quá mức những thực phẩm có chứa chất calcium, chúng ta sẽ có nguy cơ bị bệnh loãng xương dễ đưa đến gãy xương.

         4- Kiêng cữ thực phẩm nhiều oxalat như: rau cải, bột cám ngũ cốc, trà đặc khi lượng oxalat bài tiết trong nước tiểu gia tăng hơn bình thường (khoảng 45mg/24 giờ).

        5- Nên uống nhiều nước cam, nước chanh tươi : Hai loại thức uống này? có chứa nhiều citrat là chất giúp chống lại sự tạo thành sỏi niệu.

        6- Nên ăn nhiều rau tươi có chất xơ : sẽ giúp tiêu hóa nhanh, tránh ứ đọng trong ruột, giảm thiểu sự tái hấp thụ chất oxalat từ ruột để tạo nên sỏi niệu. Ngoài ra, chất kiềm cung cấp bởi rau tươi sẽ gia tăng sự bài tiết chất citrat chống lại sỏi niệu.

        7- Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purine gây ra sỏi niệu như cá khô, thịt khô, mắm, lòng bò, lòng heo, .v.v.

 

TÓM LẠI

  • Sỏi niệu là bệnh thường gặp ở nước ta, khí hậu nóng quanh năm, đổ mồ hôi nhiều vì thế lượng nước tiểu cô đặc dễ tạo thành sỏi niệu, chúng ta cần uống nhiều nước để nước tiểu loãng ra tránh kết tụ thành sỏi.

  • Ngoài ra, bệnh sỏi niệu thường hay tái phát, mà đối với sỏi tái phát việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Cho nên dù đã bị sỏi niệu hay không, chúng ta cần chú ý đến thực phẩm, cách ăn uống để tránh sự tạo nên sỏi niệu. Còn đối với bệnh nhân đã được điều trị sỏi niệu, nên tái khám để làm thêm các xét nghiệm máu và nước tiểu xem có bất thường gì không để điều trị thêm.

 

Hội nghị   |   Chủ đề   |   Đào tạo   |   Hội viên

Trang web được quản lý và điều hành bởi Hội Tiết Niệu - Thận Học Tp. Hồ Chí Minh
Bản quyền © 2009 thuộc về Hội Tiết Niệu - Thận Học Tp. Hồ Chí Minh
Designed by Viet Net Nam Co., Ltd.