Chủ đề

Bướu niệu sinh dục
27-01-2009  11:51:58 GMT +7

 BƯỚU NIỆU SINH DỤC

 PGS. TS. BS. Phạm văn Bùi

 

 

  

Bướu ác Tiền Liệt Tuyến (TLT), Bọng đái (BÐ), Thận, thường gặp nhất trong các Bướu ác của đường tiểu. Sự tiến triển của Bướu thường yên lặng, âm ỉ, khiến cho bệnh chỉ được phát hiện muộn ở giai đoạn cuối. Bướu Tinh hoàn có độ ác tính rất cao và thường gặp ở người trẻ, còn Bướu Niệu Quản, Dương vật, Bìu Tinh hoàn, Mào tinh, Túi tinh rất hiếm.

 

I. CÁC BIỂU HIỆN LÂM SÀNG CHUNG CỦA BƯỚU ÐƯỜNG TIỂU

1. Tiểu ra máu:

  • Ðái máu vi thể hay đại thể rất thường gặp trong Bướu Bọng đái, Niệu quản, bể thận hoặc Bướu chủ mô Thận vỡ vào trong Bể Thận. Trong Bướu lành Tiền Liệt Tuyến thường cũng có tiểu máu do vỡ các tĩnh mạch bị chèn ép và chướng nở ở vùng cổ Bọng đái, còn Bướu ác Tiền Liệt Tuyến chỉ gây tiểu máu khi Bướu đã phát triển ăn xuyên qua lớp niêm mạc vùng đáy bọng đái hay niệu đạo.

2. Ðau:

a/ Ðau do thận: Bướu Thận có thể gây đau góc xương sống (do sự căng vỏ bọc Thận) nếu có chảy máu trong Bướu có thể có cơn đau bão Thận do cục máu hay mô bướu rớt xuống Niệu quản.

b/ Ðau do Niệu quản: Bướu Niệu quản khá hiếm, thường gây bế tắc Niệu quản từ từ và ít khi gây cơn đau bão Thận.

c/ Ðau do bọng đái: Bướu Bọng đái dạng loét tạo điều kiện dễ nhiễm trùng và gây tiểu đau. Khi Bướu bành trướng ra ngoài Bọng đái sẽ có đau liên tục ở vùng trên xương mu, đau có thể tăng lên khi đi tiểu.

d/ Ðau lưng vùng thấp: Ðau ở vùng thấp của lưng và lan xuống một hay hai chân, nơi người đàn ông lớn tuổi cần nghĩ đến Bướu ác Tiền Liệt Tuyến di căn xuống chậu và cột sống. Rất ít khi có đau tầng sinh môn trong bướu ác Tiền Liệt Tuyến.

e/ Ðau tinh hoàn: Ung thư Tinh hoàn thường không gây hay chỉ gây đau ít nhưng nếu có hiện tượng chảy máu tự nhiên trong Bướu nó có thể tạo những cơn đau giống như Xoắn thừng tinh hay viêm mào Tinh hoàn cấp.

 

3. Ðái khó:

  • Chần chừ khi đi tiểu, tia nước tiểu nhỏ, yếu và nhỏ giọt cuối dòng thường do Bướu lành hay Bướu ác của Tiền Liệt Tuyến gây ra.

  • Bướu Bọng đái nằm ở gần hay trong vùng cổ Bọng đái cũng có thể gây những triệu chứng tương tự. Vì vậy soi Bọng đái rất cần thiết trong mọi trường hợp có bế tắc cổ Bọng đái.

  • Bướu Niệu đạo gây sự giảm dần dần kích thước của dòng nước tiểu. Một khối u khám thấy ở vùng Niệu đạo có thể là Bướu hay hẹp Niệu đạo, đôi khi cần sinh thiết để chẩn đoán phân biệt.

 

4. Sang thương ngoài da:

  • Bướu hay loét ở vùng da bìu hay dương vật có thể là sang thương ác tính, lành tính hay nhiễm trùng, khi nghi ngờ cần sinh thiết để có thể chẩn đoán chính xác.

 

5. Khối u sờ thấy:

a/ Khối u thận: Bướu Thận thường không gây triệu chứng cho tới khi chính bệnh nhân hay thầy thuốc phát hiện thấy khối u vùng hông lưng. Bướu Thận có thể lầm lẫn với nang đơn độc ở Thận, Thận đa nang, Thận chướng nước, Nang tụy hay Lách lớn.

b/ Khối u bụng: Gần vùng rốn có thể là hạch di căn đến vùng trước động mạch chủ do Bướu Tinh hoàn.

Khối u nằm đường gần trên xương mu có thể là Bọng đái căng lớn do bí tiểu, Bướu hệ tiêu hoá hay phụ khoa. Rất ít khi Bướu Bọng đái sờ thấy được qua thăm khám vùng trên xương mu trừ khi khám hai tay (Bụng - Trực tràng hay bụng - âm đạo), thực hiện dưới gây mê.

c/ Khối u Tiền Liệt Tuyến: Khi khám thấy Bướu Tiền Liệt Tuyến cứng toàn diện như đá và cố định thì hầu như chắc chắn đó là Bướu ác. Ngược lại, chỉ sờ thấy một vùng cứng khu trú ở vùng Tiền Liệt Tuyến cần chẩn đoán phân biệt giữa Bướu ác, xơ hóa do viêm mãn tính, sạn Tiền Liệt Tuyến, viêm Tiền Liệt Tuyến dạng hạch, Lao Tiền Liệt Tuyến .Ðôi khi chẩn đoán chỉ thực hiện được nhờ sinh thiết.

d/ Khối u Tinh Hoàn: Một khối u Tinh hoàn cứng, không đau phải được xem như là ác tính cho tới khi chứng minh được là nguyên nhân khác.

 

6. Sốt:

  • Bướu Thận có thể không gây triệu chứng nào khác ngoài sốt. Bướu đường tiểu có thể gây bế tắc và từ đó gây biến chứng nhiễm trùng và sốt .

 

7. Tăng hồng cầu:

  • Tăng hồng cầu có thể gặp trong 4% các trường hợp Bướu Thận như các loại Bướu Wilm và cũng có thể gặp trong một số Bướu lành của Thận .

8. Phân tích nước tiểu:

  • Trong hầu hết các trường hợp Bướu Bọng đái và Bướu tế bào chuyển tiếp của Niệu quản hay Bể Thận, khảo sát tế bào học nước tiểu bằng phương pháp Papanicolaou hay nhuộm xanh Méthylenè sẽ cho thấy các tế bào thượng bì tròn (tế bào chuyển tiếp). Vì vậy sự hiện diện của các tế bào này phải nghĩ đến Bướu đường tiểu nhưng ít có giá trị trong sự chẩn đoán Bướu chủ mô Thận .

9. LDH niệu:

  •  Enzyme này gia tăng đáng kể trong hầu hết những bệnh nội khoa nặng của Thận và viêm Ðài Bể Thận mãn tính. Nồng độ của nó cũng gia tăng trong Bướu thận, Bọng đái, Tiền Liệt Tuyến. Sự phối hợp với đo nồng độ Phosphatase Alkaline niệu giúp chẩn đoán phân biệt giữa bệnh Thận và các bệnh khác. Nồng độ cả hai Enzyme bình thường trong Nang Thận, tăng sinh vỏ Tuyến Thượng Thận, Tăng sinh lành Tiền Liệt Tuyến, cao huyết áp nguyên phát lành tính, Viêm Bọng đái, và Viêm Ðài Bể Thận . Còn LDH tăng trong Bướu ác, Bọng đái, Viêm Ðài Bể Thận mãn, viêm xơ hoá Cầu Thận và cao huyết áp ác tính .

  • Nồng độ của cả hai đều tăng trong Bướu Ác Thận, Tiền Liệt Tuyến, Bướu lành hoặc ác vô Tuyến Thượng Thận, viêm Cầu Thận cấp hoặc mãn và hoại tử ống Thận cấp.

 

II. TRIỆU CHỨNG VÀ DẤU HIỆU CỦA DI CĂN

  • Các Bướu niệu sinh dục thường không gây ra các triệu chứng tại chỗ hay những dấu hiệu rõ rệt . Các biểu hiện lâm sàng có thể chỉ xuất hiện khi có di căn.

 

1. Hệ thần kinh trung ương:

  • Bướu Thận và Bướu Tiền Liệt Tuyến có thể di căn đến hệ thần kinh trung ương nên các triệu chứng đầu tiên lại có thể là triệu chứng thần kinh .

 

2. Phổi:

  • Bướu Thận, Tiền Liệt Tuyến, Tinh hoàn thường di căn đến Phổi. Ðau màng Phổi gợi ý có tổn thương màng Phổi thứ phát do xâm lấn của Bướu.

 

3. Gan:

  • Bướu Thận có thể di căn đến Gan làm cho Gan lớn và có nhân, nếu có chèn ép đường mật chính sẽ có vàng da xuất hiện.

 

4. Hạch bạch huyết:

  • Hạch lớn sờ thấy ở vùng trên xương đòn trái có thể là dấu hiệu duy nhất của Bướu Thận hay Bướu Tinh hoàn.Các khối hạch sờ thấy được cạnh vùng động mạch chủ bụng ở người trẻ có thể là do Bướu từ Tinh hoàn di căn, còn các khối hạch di căn từ Tiền Liệt Tuyến hay Bọng đái có thể đến chèn ép tĩnh mạch chậu và gây phù một hoặc hai chân.

 

5. Xương:

  • Di căn xương thường do Bướu Thận hay Tiền Liệt Tuyến và gây đau xương, Gãy xương tự nhiên hay các biểu hiện thần kinh do di căn đến cột sống.

 

 

Hội nghị   |   Chủ đề   |   Đào tạo   |   Hội viên

Trang web được quản lý và điều hành bởi Hội Tiết Niệu - Thận Học Tp. Hồ Chí Minh
Bản quyền © 2009 thuộc về Hội Tiết Niệu - Thận Học Tp. Hồ Chí Minh
Designed by Viet Net Nam Co., Ltd.