Chủ đề

Buớu bàng quang và Hóa trị
02-02-2009  13:16:02 GMT +7

 

BUỚU BÀNG QUANG VÀ HÓA TRỊ LIỆU

 GS Trần Văn Sáng- TS BS Nguyễn Tuấn Vinh

 
Mục tiêu bài giảng:
 
  1. Nắm được giải phẫu bệnh của bướu.
  2. Cách phát hiện bướu.
  3. Nguyên tắc điều trị ngoại khoa.
  4. Cách điều trị sau phẫu thuật và cách theo dõi bệnh nhân để phát hiện trường hợp tái phát.
  5. Nắm được chỉ định điều trị trong từng trường hợp bướu bàng quang.
 
bullet
Buớu bàng quang có thể xuất phát từ mọi thành phần: cấu trúc bàng quang sarcoma cơ, sarcoma sợi, các loại carcinoma xuất phát từ ống niệu rốn . . . Nhưng tuyệt đại đa số các loại bướu bàng quang là xuất phát từ niệu mạc, gọi là ung thư tế bào chuyển tiếp. Do đó, trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ đề cập đến bướu tế bào chuyển tiếp.
 
   
 
1. Dịch tể học:
  • Bướu bàng quang đứng hàng thứ 4 trong các loại ung thư ở nam giới, còn ở nữ giới thì đây là loại ung thư đứng hàng thứ 8. Như vậy, tỉ lệ nam bị ung thư bàng quang cao gấp 2,8 lần nữ.
  • Về tử suất, đây là loại ung thư gây tử vong nhiều thứ 4 trong các trường hợp tử vong do ung thư ở nam giới sau ung thư phổi, tiền liệt tuyến, đại trực tràng.
  • Tuổi bị ung thư bàng quang thường ở khoảng 60-70 tuổi, mặc dù có thể thấy ung thư ở mọi lứa tuổi.

  2. Bệnh căn học:

  •  Hiện nay, người ta khám phá ra nhiều yếu tố góp phần gây bướu bàng quang bao gồm hóa chất công nghiệp, thuốc lá, cà phê, thuốc giảm đau, hóa chất trị ung thư, tức là tất cả những nguyên nhân gây kích thích mãn tính niệu mạc.
 
    2.1.Hóa chất công nghiệp:
  • Chủ yếu là các chất có nhân thơm mà được nói nhiếu nhất là chất aniline trong công nghiệp nhuộm. Ngoài ra, nguời ta còn nói đến 4-aminobiphenyl, 2-naphtylamine, 4-nitrobiphenyl, các khí đốt lò. Muốn gây được ung thư đòi hỏi phải có thời gian kích thích lâu dài từ 10-20 năm.
 
 2.2. Thuốc lá:
Những người hút thuốc lá nhiều có tỉ lệ bị ung thư bàng quang cao gấp 4 lần bình thường.
2.3.Cà phê và trà:
1 số công trình nghiên cứu cho thấy những người uống cà phê và trà có tỉ lệ mắc ung thư cao hơn những người không uống, nhưng chưa đáng tin cậy vì đa số những người này thường kèm hút thuốc lá.
2.4.Thuốc giảm đau:
 Ðược nói đến nhiều nhất là phenacetin có cấu trúc hóa học tương tự chất aniline. Nhưng muốn hình thành ung thư bàng quang thì bệnh nhân phải tiêu thụ 1 lượng lớn thuốc (từ 5-15 kg) trong vòng hơn 10 năm.
2.5.Ðường hóa học:
Các chất saccharin và cyclamate có thể gây ung thư trên súc vật thực nghiệm.
2.6.Xa trị:
Các bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung phải xạ trị có tỉ lệ ung thư bàng quang cao gấp 4 lần bình thường.
2.7.Hóa chất trị ung thư:
Cyclophosphamide là 1 chất có khả năng gây ung thư bàng quang. Bệnh nhân điều trị với cyclophosphamide có nguy cơ bị bướu bàng quang cao gấp 9 lần bình thường.
 3.Di truyền học:
 Bướu tế bào chuyển tiếp ở bàng quang giống các loại bướu khác được cho rằng sinh ra bởi một loạt các thay đổi về di truyền. Những thay đổi này xảy ra trong quá trình phát triển của tế bào. Hiện nay có 2 loại gien được biết đến:
Tiền gien sinh ung (protooncogène): được hoạt hóa bởi đột biến điềm hay khuếch đại gien.
Gien ức chế bướu: bị bất hoạt bởi đột biến điềm, mất đoạn gien.
Ðối với bướu tế bào chuyển tiếp ở bàng quang, vai trò của tiền gien sinh ung (protooncogène) không chắc chắn, nhưng gien ức chế bướu (tumor supprenor gène) có vẻ đóng vai trò chủ đạo.
3.1. Các tiền gien sinh ung (Protooncogènes):
Lúc đầu, khi phát hiện gien sinh ung ở virus, người ta cho rằng các gien này được truyền qua tế bào người qua quá trình chuyển nạp. Nhưng sau đó, người ta phát hiện các gien này ở các tế bào bình thường ở dạng bất hoạt, do đó có giả thuyết cho rằng gien sinh ung là một gien bình thường chỉ hoạt động ở thời kỳ phôi thai để giúp phôi thai phát triển và biệt hóa, sau đó sẽ không hoạt động. Khi có đột biến gien thì các gien? này trở lại trạng thái hoạt động.
3.2. Sự mất đoạn alen:
Nghiên cứu về di truyền học tế bào, người ta thấy có nhiều loại mất nhiễm sắc thể ở các loại bướu, kể cả bướu bàng quang. Nhiều tài liệu thống kê cho thấy ở bướu bàng quang có sự mất nhiễm sắc thể 3p, 9q, 11p, 13q, 17p, 18q. Ðặc biệt là mất đoạn 17p xảy ra rất sớm ở bướu bàng quang thể thâm nhiễm. Khi mất đoạn 17p xảy ra ở bướu bàng quang thể nông thì thường có độ biệt hóa kém. Mất đoạn nhiều sắc thể 3p, 11p, 13p, 18q thường xảy ra ở bướu bàng quang thể thâm nhiễm. Hơn nữa người ta biết nhánh ngắn nhiễm sắc thể 17 chứa gien ức chế bướu p53.
3.3. Gien ức chế bướu:
Bình thường, gien này hoạt động có tác dụng ức chế sự phát triển ác tính. Khi bị bất hoạt, gien sẽ cho phép bướu phát triển. Nghiên cứu cho thấy này có tính lặn về mặt di truyền. Mất nhánh 13q được ghi nhận trong nhiều loại bướu, kể cả bướu bàng quang. Người ta thấy các gien ở đoạn nhiễm sắc thể này điều khiển việc tạo RB protein có ảnh hưởng đến sự thâm nhiễm của bướu bàng quang. Thực nghiệm thấy ghép gien RB trở lại sẽ làm tế bào bướu chậm phát triển. Sidransky nghiên cứu 18 trường hợp bướu bàng quang và nhận thấy 61 % có đột biến gien p53 nằm ở đoạn nhiễm sắc thể 17p. Các tác giả cho rằng đây là gien ức chế bướu. Hiện nay, gien p53 rất thường gặp trong các loại ung thư và bắt dầu được ứng dụng vào lâm sàng.
4. Giải phẫu bệnh:
4.1. Phân loại theo mức độ biệt hóa:
Có nhiều cách phân loại nhưng đa số các tác giả đồng ý chia ra 3 độ:
  • Ðộ 1: các tế bào biệt hóa tốt, ít phân bào, ít di căn. Ðại thể thường lànhững bướu có cuống dài, chân hẹp.
  • Ðộ 2: tế bào biệt hóa vừa, mức độ ác tính trung bình. Ðại thể bướu có cuống ngắn và nông, có khi các nhánh dính vào nhau và bướu có hình như bông cải.
  • Độ 3: tế bào biệt hóa kém, mức độ ác tính cao, sớm ăn sâu vào lớp cơ bàng quang và sớm di căn hạch, tiên lượng xấu. Ðại thể thường bướu không có cuống mà thâm nhiễm rộng ở lớp cơ bàng quang.
4.2.Phân loại theo giai đoạn:
 
Bảng đánh giá độ xâm lấn của bướu bàng quang
 
Mẫu bệnh phẩm
Jewett-Strong
Marshall
1987? UICC
Không có bướu
0
T0
Carcinoma in situ
0
Tis
Bướu gai không thâm nhiễm
0
Ta
Thâm nhiễm lớp dưới nội mạc
A
T1
Thâm nhiễm cơ nông
B1
T2
Thâm nhiễm cơ sâu
B2
T3a
Thâm nhiễm mô quanh bàng quang
0
T3b
Thâm nhiễm cơ quan lân cận
D1
T4
Di căn hạch vùng
D1
(N1-3)
Di căn hạch xa
D2
 
Di căn xa
D2
M1
 
4.3. Một số điểm về giải phẫu bệnh:
  • Độ lớn của bướu: Heney (1983a) đã ghi nhận bướu nông kích thước > 5 cm có tỉ lệ thâm nhiễm là 35% so với tỉ lệ thâm nhiễm là 9% ở bướu có kích thước nhỏ hơn. Do đó phải chú ý khả năng bỏ sót chẩn đoán đối với bướu lớn.
  • Sự hiện diện tế bào bướu trong mạch máu hay mạch bạch huyết, bất kể giai đoạn nào thì dự hậu rất đen tối.
  • Khi bướu đã thâm nhiễm hạch (N+) thì dự hậu xấu dù có nạo hạch, và đa số bệnh nhân sẽ chết vì di căn xa. Nạo hạch không thay đổi tiên lượng mà chỉ giúp định giai đoạn.
  • Vị trí bướu: có 1 vai trò quan trọng:
     + Ở chóp bàng quang và ở 2 mặt bên.
         - Lớp dưới niêm mạc lỏng lẻo giúp cho sự thâm nhiễm có muộn hơn.
         - Có những hạch cạnh bàng quang ngăn chặn bướu trước khi bướu xâm nhập hạch chậu.
    + Ở vùng tam giác và cổ bàng quang: nặng nề.
         - Màng đệm dính vào lớp cơ làm cho sự xâm nhiễm cơ xảy ra nhanh.
         - Các trạm hạch chấn biên ở chỗ chia đôi động mạch chủ.
    + 2 miệng niệu quản gần dễ bị bướu ăn lan vào.
  • Di căn thường xảy ra sau khi hạch bị xâm lấn là: di căn xương, phổi, não, gan.
 
5.Lâm sàng:
  • Ðặc điểm của bướu bàng quang là rất hay tái phát. Những trường hợp buớu biệt hóa tốt, mặc dù ác tính, ít cho di căn sang hạch và về mặt tế bào học thì có khi gần giống như lành tính, nhưng tỉ lệ tái phát sau khi phẫu thuật rất cao.
  • Nguyên nhân tái phát của bướu có thể là:
 
  •     Lúc phẫu thuật chưa lấy hết bướu.
  •     Sự gieo rắc của tế bào bướu sang các nơi khác, do đó, 1 thời gian sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể trở lại với nhiều bướu hơn, và bướu lại mọc ở nhiều nơi hơn.
  •     Trên bề mặt của niêm mạc bàng quang, ngoài chỗ có bướu có thể nhìn thấy, còn nhiều chỗ khác có thể có bướu ở giai đoạn tiền lâm sàng. Vì vậy, những bướu niêm mạc bàng quang đều được coi là bướu ác để có thái độ giải quyết và theo dõi đúng mức, nhằm hạn chế tài phát.
Vấn đề chính hiện nay là làm thế nào phát hiện được bướu ở giai đoạn sớm nhất, vì nếu để đến giai đoạn toàn phát thì điều trị đem lại dết quả rất khiêm tốn, tỉ lệ tái phát trên 60% trong vòng 2 năm.
 
 5.1.Giai đoạn sớm:
     Ðái ra máu:
  • Là triệu chứng chủ yếu đưa bệnh nhân đi khám bệnh.
  • Ðái ra máu có các đặc điểm cần nhấn mạnh là:
     
  • Không kèm theo đái gắt buốt, chứng tỏ không có viêm nhiễm.
  • Ðái máu đại thể và đỏ nhiều về cuối dòng.
  • Xuất hiện không có lý do, và sau đó tự khỏi dù có hay không có điều trị. Ðiểm này có thể làm cho bệnh nhân chủ quan.
  • Cấy nước tiểu không có vi trùng.
Tóm lại:    Khi đái ra máu đại thể tự nhiên xuất hiện ở 1 người trung niên thì hãy coi đó là dấu hiệu của ung thư đường tiết niệu, cho đến khi được chứng minh là không phải.
                Tái đi tái lại.
                Ðái ra máu sau khi hết đi 1 thời gian, có thể 1 vài tháng sẽ tái lại 1 cách không có lý do, và sau đó lại tự khỏi.
                Ðái ra máu có thể là dấu hiệu độc nhất trong 1 thời gian dài.
 
5.2. Ở giai đoạn toàn phát:
  • Bướu đã phát triển lớn nên có những vùng bướu bị hoại tử, làm cho có hiện tượng bội nhiễm: bệnh nhân có đái gắt buốt và trong nước tiểu sẽ có bạch cầu và vi trùng
  • Nếu bướu ăn đến lỗ niệu quản dể gây thận chướng nước.
  • Bướu phát triển lớn thì có thể gây ra đái máu kéo dài, ảnh hưởng đến thể trạng bệnh nhân.
  • Thăm trực tràng: có thể thấy đáy bàng quang bị thâm nhiễm cứng trong thể bướu thâm nhiễm.
6. Cận lâm sàng:
6.1. Soi bàng quang:
  • Ðể chẩn đoán có bướu hay không vẫn chưa đủ, cần phải xác định kích thước bướu, vị trí bướu, số lượng bướu, hình thể đặc biệt của bướu như có cuống hay không, cuống to hay nhỏ. Ngoài ra phải khảo sát cả bệnh lý phối hợp ở bàng quang như vị trí túi ngách, bướu tiền liệt tuyến và tình trạng giãn nở của bàng quang để có ý niệm về sự thâm nhiễm của bướu.
  • Ðộng tác cuối cùng khi soi phát hiện được bướu là phải sinh thiết bướu. Cần làm sinh thiết ở chân của bướu để xem bướu đã lan đến lớp cơ hay chưa và cần phải làm sinh thiết nhiều chỗ khác trên niêm mạc bàng quang ở những nơi khả nghi.
6.2. Siêu âm:
6.2.1. Siêu âm qua ngả bụng (đầu dò 3,5-5 MHz):
Có thể phát hiện bướu với kích thước từ 0.5 cm trở lên, nhưng ít khi đánh giá độ thâm nhiễm của bướu và khả năng phát hiện hạch di căn kém.
 6.2.2. Siêu âm qua trực tràng +/- qua âm đạo (đầu dò 7,5 MHz):
Ðối với các bướu vùng tam giác thì siêu âm qua trực tràng chẩn đoán tốt hơn siêu âm qua ngả bụng, vì đầu dò ở gần vị trí tổn thương hơn và độ ly giải cao hơn. Có thể thấy hình ảnh thâm nhiễm và phân biệt bướu ở cổ bàng quang với bướu tiền liệt tuyến.
6.2.3. Siêu âm qua nội soi (đầu dò 10 MHz):
Qua nội soi bàng quang có thể để đầu dò vào chân bướu để khảo sát độ thâm nhiễm. Phương pháp này có nhược điểm là tốn tiền và cũng không dùng để phát hiện hạch được.
6.3. CT scan:
Rất hữu ích, trong khảo sát bướu bàng quang có thể phát hiện trường hợp bướu thâm nhiễm rõ, có thể dùng để truy tìm hạch và tìm các tổn thương do di căn trên các cơ quan khác.
6.4.X quang bộ niệu có cản quang:
  • Có thể phát hiện ra bướu bằng hình ảnh khuyết ở bàng quang.
  • Ngoài ra còn cho thông tin về giải phẫu chức năng của đường tiểu trên.
  • Khi bướu xâm lấn miệng niệu quản thì có thể thấy hình ảnh giãn nở đài bể thận và niệu quản.
  • Ðiều cần lưu ý là nên chụp phim ngoài lúc tiểu máu vì có thể nhầm lẫn với máu cục trong bàng quang.
 
6.5.Xét nghiệm nước tiểu:
6.5.1.Tế bào học nuớc tiểu:
  • Có thể lấy nước tiểu, quay ly tâm tìm tế bào ung thư.
  • Có thể kết hợp với soi bàng quang dùng bàn chải để chải niêm mạc bàng quang.
 
6.5.2. BTA (Bladder tumor antigen):
  • Ít dùng để chẩn đoán ban đầu, thường dùng để theo dõi điều trị, có thể giúp giảm số lần soi bàng quang kiểm tra.
 
6.5.3. PCR (Polymeraz chain reaction):
  • Là 1 trong những ứng dụng mới được áp dụng từ lĩnh vực di truyền, có nhiều hứa hẹn nhưng còn chưa phổ biến.
 
6.6.Xét nghiệm máu:
  • Chỉ có các xét nghiệm thường qui.
  • Cho tới hiện nay, chưa có chất chỉ điểm bướu. 1 số tác giả đề nghị dùng HCG nhưng độ chuyên biệt không cao.
 
7.Ðiều trị:
  • Cho tới nay, phẫu thuật vẫn còn là mặt mạnh.
  • Ðứng trước 1 bướu bàng quang, nếu chưa có xét nghiệm chính xác định giai đoạn đa số các tác giả chọn cắt đốt nội soi để lấy bướu và sinh thiết: phải lấy hết chân bướu cho đến lớp cơ và thử giải phẫu bệnh.
  • Ta có các trường hợp sau:
            7.1. Bướu nông (giai đoạn Ta, T1):
7.1.1.Nếu có độ biệt hóa cao (G1):
  • Nếu đã chắc chắn lấy hết bướu thì có thể theo dõi, soi bàng quang mỗi 3 tháng.
  • Nếu có nhiều bướu thì nên hóa trị bơm bàng quang: theo cơ chế miễn nhiễm như BCG hay theo cơ chế diệt bào như mitomycin C, adriamycin.
 
7.1.2.Nếu bướu nông nhưng độ biệt hóa kém (G2, G3):
  • Ða số các tác giả đều chọn phương pháp hóa trị bơm bàng quang sớm (15 ngày sau cắt đốt nội soi).
 
            7.2. Bướu thâm nhiễm:
7.2.1.Bướu đơn độc, chỉ thâm nhiễm cơ nông:
  • Một số tác giả ưa chuộng cắt đốt nội soi cố lấy hết bướu và cho hóa trị bơm bàng quang nhưng phải theo dõi sát và nguy hiểm vi bướu có thể cho di căn hạch và đi xa mà không biết.
  • Một số tác giả khác chọn phương pháp cắt thủng bàng quang với điều kiện che chắn kỹ lưỡng, không cho gieo rắc bướu ra ngoài, đốt cách chân bướu ít nhất 2 cm, bơm rửa bàng quang với nước nóng, nạo hạch chậu, bịt ít nhất là phía bên bướu, có đánh dấu các vị trí cơ thể học bằng các mốc có cản quang, sau đó chờ kết quả giải phẫu bệnh. Nếu:
    • Hạch âm tính: có thể theo dõi và cho hóa trị bơm bàng quang.
    • Hạch dương tính hay giải phẫu bệnh nghi có tế bào bướu thâm nhiễm thần kinh, mạch máu: trong trường hợp này nên hóa trị đường toàn thân, nếu có kết hợp xạ trị thì càng tốt.
  • Một số tác giả khác thì mạnh bạo hơn khi bướu thâm nhiễm tới lớp cơ kể cả cơ nông: cắt toàn bộ bàng quang và nạo hạch, sau đó làm bàng quang thay thế và dựa vào kết quả giải phẫu bệnh để hóa trị toàn thân hay không. Các tác giả này quan niệm bướu là bệnh lý niệu mạc, nên cần phải lấy hết bàng quang. Ðây là1 phương pháp tốt về tỉ lệ tái phát nhưng để lại nhiều di chứng như bất lực, chức năng bàng quang thay thế cũng không bằng bàng quang thật.
 
7.2.2.Nhiều bướu, thâm nhiễm nhiều qua khỏi cơ sâu:
  • Ðây là loại bướu rất độc, độ tái phát cao, dễ cho di căn xa,
  • Nên cắt toàn bộ bàng quang nếu được và làm chuyển lưu nước tiểu.
  • Sau đó tiếp tục cho hóa trị toàn thân và phối hợp xạ trị nếu được
 
8.Phương pháp hóa trị bướu bàng quang nông:
8.1.BCG:
  • Cho tới hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về phác đồ sử dụng BCG về liều lượng và thời gian sử dụng.
8.1.1.Sử dụng theo phác đồ Morales:
Morales đầu tiên đưa ra phát đồ điều trị gồm:
  • Tiêm trong da 5 mg BCG (BCG của viện Armand Frappier).
  • Bơm bọng đái 150 mg BCG, pha loãng trong 50 cc nước muối sinh lý qua 1 ống thông.
  • Mỗi tuần điều trị như trên 1 lần, trong 6 tuần. Sau đó sẽ kiểm tra lại qua soi bọng đái.
 
8.1.2.Các phác đồ khác:
  • Các phác đồ điều trị khác cũng còn đang bàn cãi: nên dùng kéo dài 6 tuần hay 12 tuần.
  • Tỉ lệ đáp ứng hoàn toàn là 78% cho điều trị 6 tuần và 90% cho điều trị 12 tuần (Haaf EO).
  • Tỉ lệ này lần lượt là 69% và 90%.
  • Kavoussi LR thì tỉ lệ này là 37,5 và 70%. Kể cả Morales cũng đã thay đổi phác đồ của ông thành bơm120 mg BCG/tháng trong vòng 1 năm.
  • Gần đây, Lamm đã có 1 nghiên cứu trên 550 bệnh nhân bị bướu bàng quang giai đoạn Ta, T1 CIS dùng phác đồ duy trì tới 3 năm thì thấy có ích lợi trong ngừa tái phát và tăng khả năng sống còn.
 Ngoài vấn đề thời gian điều trị, các tác giả còn tranh luận nhiều về liều lượng. Theo Morales và 1 số tác giả khác thì nếu dùng liều cao sẽ tác dụng tốt hơn. Nhưng 1 số khác lại chủ trương dùng liều thấp để giảm độc tính và hiệu quả cũng tương đương. Morales cũng nhìn nhận là hiệu quả tương đương khi dùng liều thấp nhưng 1 số khác lại thấy rằng đôi khi độc tính có vẻ không giảm.
 8.1.3. Ðiều trị biến chứng:
 8.1.3.1. Sốt dưới 380C:
  • Ðiều trị triệu chứng.
  • Tạm ngưng điều trị với BCG đến khi hết triệu chứng.
  • Nếu có viêm bọng đái do tạp trùng phải cho kháng sinh thích hợp.
 
8.1.3.2. Sốt trên 3805 C kéo dài 12 giờ - 18 giờ:
  • Ðiều trị INH 300 mg/ngày trong 3 tháng.
  • Có thể dùng lại BCG khi người bệnh hết triệu chứng.
 
 8.1.3.3. Có phản ứng dị ứng:
  • INH 300 mg/ngày trong 3 tháng.
  • Cân nhắc xem có thật ích lợi khi dùng BCG với những nguy hiểm do tác dụng thuốc mà bệnh nhân có thể gặp.
 
 8.1.3.4. Nhiễm trùng cấp nghiêm trọng do BCG:
  • INH 300 mg/ngày.
  • RFP 600 mg/ngày.
  • Ethambutol 1200 mg/ngày.
    Điều trị trong 6 tháng.
          Ngưng không được điều trị với BCG.
 
 8.1.3.5.Nhiễm trùng huyết do BCG:
 
  • INH: 300 mg/ngày.
  • RFP 600 mg/ngày.
  • Ethambutol 1200 mg/ngày.
  • Cycloserine 500 mg : 2 lần/ngày trong 5 ngày.
  • Prednisone 40 mg/ngày IV.
 
8.2. Hóa trị với Adriamicine (Doxorubicine) và các dẫn xuất tương tự.
8.2.1. Dược lý của Doxorubicin:
  • Doxorubicin là 1 kháng sinh được chiết xuất từ nấm Streptomyces pencetius var caesius, do Arcamone tìm ra lần đầu tiên năm 1969.
  • Doxorubicin có tác dụng trên nhiều loại ung thư, nhưng lại có tác dụng độc trên tim; tác dụng độc này tỉ lệ với liều dùng và có thể không hồi phục.
  • Doxorubicin thuộc nhóm kháng sinh anthracyclin có trọng lượng phân tử cao 580 Dalton và có tác dụng tốt nhất ở môi trường pH=7,0.

8.2.2. Cơ chế tác dụng:
  • Tác dụng của doxorubicin là tấn công vào quá trình tháo xoắn của DNA và ngăn cản sự tạo RNA.
  • Ngoài ra, Doxorubicin còn làm tăng oxit hóa NADPH, thành lập gốc tự do.
 
8.2.3. Hiệu quả của Doxorubicin trong điều trị bướu bàng quang thể nông:
  • Nijima J ghi nhận doxorubicin tốt hơn mitomycin C trong điều trị phòng ngừa bướu tái phát.
     Kurth (1984) nhận thấy: doxorubicin hữu hiệu đối với bệnh nhân bị bướu tái phát nhưng lại ít hiệu quả với bướu nguyên phát.
  •  Nhưng theo Matreev BP thì doxorubicin và mitomycin có hiệu quả tương đương nhau. Nhưng đa số các tác giả như Mori đều đồng ý là doxorubicin kém hiệu quả hơn BCG trong điều trị bướu bàng quang giai đoạn in situ, cũng như trong vấn đề ngừa tái phát.
 
8.2.4. Cách sử dụng Doxorubicin:
  •  Do các phân tử lượng cao (580 Daltons) nên Doxorubicin ít hấp thu vào máu khi dùng để bơm bàng quang nên đa số các tác giả đều đồng ý dùng liều cao để điều trị.
 
Có nhiều phác đồ đề ra như sau :
 
  • 50 mg/tuần trong 6 tuần, sau đó là 50 mg/tháng trong 6 tháng.
  • 60-90 mg/3 tuần, dùng trong 3 tháng.
 Có 1 số tác giả trong nghiên cứu thấy rằng, dùng Doxorubicin luân phiên với Mitomycin C sẽ tăng hiệu quả hơn.
  • Một số tác giả khác như Sugimoto K (1985) đề nghị dùng thêm Verapamil vào chung với Doxorubicin hay Epirubicin, sẽ tăng tác dụng diệt bướu.
  • Sau đó, Naito S (1992) dùng thêm vào Doxorubicin 15 mg Vérapamil thì thấy tác dụng diệt bướu tăng tốt, kể cả bướu tái phát.
  • Serratta V (1993) thấy phối hợp interferon alpha 2b với epirubicin đơn thuần sẽ có hiệu quả hơn (cả về lâm sàng lẫn trên cận lâm sàng), biểu hiện qua tăng nồng độ Interleukin trong nước tiểu.
  • Trên hướng nghiên cứu phối hợp thuốc vơi doxorubicin để tăng hiệu quả, Popert R J (1995) và Serratta V đã thực ngiệm trong phòng xét nghiệm sự phối hợp Doxorubicin hay Epirubicin với Lonidamin liều thấp 1 mg/ml. Một chất được biết là chống lại sự đề kháng của anthracycline để nghiên cứu sự phát triển cúa các dạng tế bào bướu và các ông nhận thấy: khi có Lonidamin, sự nhạy cảm của tế bào bướu với Doxorubicin tăng gấp 2 lần.
 
8.2.5. Tai biến khi sử dụng doxorubicin và các dẫn chất :
  • Do phân tử lượng cao (M= 580 Dalton), nên trong điều kiện không có tổn thương đường tiết niệu, hầu như Doxorubicin và các dẫn chất của nó không ngấm vào máu nên hầu như không có tác dụng phụ toàn thân.
  • Các tác dụng phụ tại chỗ như : viêm bàng quang, xơ hóa bàng quang, tiểu không kiểm soát.
  •  
9. Phương pháp hóa trị bướu bàng quang thể thâm nhiễm:
9.1. Hóa trị đường truyền tĩnh mạch:
 
9.1.1. Phác đồ M-VAC:
9.1.1.1. Cách sử dụng:
Gồm có các thuốc Methotrexate, Vinblastine, AdriamycineCisplatine. Phác đồ này được Sternberg đề xướng năm 1985.
 
 
Ngày 1
Ngày 2
Ngày 15
Ngày 22
Methotrexate
30 mg/m2
 
30 mg/m2
30 mg/m2
Vinblastine
 
3 mg/m2
3 mg/m2
3 mg/m2
Adriamycin
 
30 mg/m2
 
 
Cisplatin
 
70 mg/m2
 
 
 
9.1.2.Phác đồ Cisca:
9.1.2.1.Cách sử dụng:
Phác đồ Cisca đã được sử dụng tại trưòng đại học Texas từ năm 1977. Phác đồ này gồm 3 thuốc: Cisplatin, CyclophosphamideAdriamycine được sử dụng theo lịch trình sau:
 
 
N1
N2
Cisplatine
 
100 mg/m2
Cyclophosphamide
650 mg/m2
 
Adriamycine
50 mg/m2
 
 
 Liều lập lại cho mỗi 3 tuần.
 
 9.1.2.2. Hiệu quả:
  • Trong báo cáo của JA Martinez Pineiro 1987 thì cisca cho hiệu quả đáp ứng hoàn toàn là 21,4% và đáp ứng chung là 50% đồng thời tác giả đã báo cáo rằng cisca đã kéo dài thời gian sống còn 100% bệnh nhân trong lô nghiên cứu của ông còn sống sau 3 năm nhưng ông cũng công nhận rằng hiệu quả của cisca kém hơn MVAC.
 
9.2.Hóa trị toàn thân ngã động mạch:
  • Những cải thiện kết quả điều trị bướu bàng quang không chỉ dựa vào các loại thuốc mà còn dựa vào liều lượng và đường đem thuốc vào cơ thể.
  • Hóa trị vùng là đem một phần lớn khối lượng thuốc đến vùng có bướu.
  • Hóa trị bướu bàng quang là hợp lý vì lượng máu đến cơ chậm và sau đó thải nhanh (Campbell 1983).
 
Câu hỏi kiểm tra:
 
  1. Phân loại theo mức độ biệt hóa của tế bào.
  2. Phân loại theo mức độ thâm nhiễm của ung thư.
  3. Làm thế nào để phát hiện bướu ở giai đoạn sớm.
  4. Các triệu chứng ở giai đoạn toàn phát.
  5. Nguyên tắc điều trị phẫu thuật.
  6. Ðiều trị sau phẫu thuật và cách theo dõi.
  7. Nêu 1 số phương pháp điều trị bướu bàng quang thể nông.
  8. Nêu 1 số phương pháp điều trị bướu bàng quang thể thâm nhiễm.
 
Hội nghị   |   Chủ đề   |   Đào tạo   |   Hội viên

Trang web được quản lý và điều hành bởi Hội Tiết Niệu - Thận Học Tp. Hồ Chí Minh
Bản quyền © 2009 thuộc về Hội Tiết Niệu - Thận Học Tp. Hồ Chí Minh
Designed by Viet Net Nam Co., Ltd.