Chủ đề

Ung thư tế bào chuyển tiếp của bàng quang
02-02-2009  13:17:41 GMT +7
 UNG THƯ TẾ BÀO CHUYỂN TIẾP CỦA BÀNG QUANG
 
PGS TS BS. Trần Lê Linh Phương
 
 1.      Yếu tố nguy cơ của TCC bàng quang?
  • Tuổi: cao nhất ở lứa tuổi 70
  • Nghề nghiệp tiếp xúc với thuốc nhuộm anyline và các amine thơm.
  • Hút thuốc lá: nguy cơ tăng gấp 4 lần.
  • Lạm dụng phenacetine
  • Ðiều trị với cyclophosphamide
 
 2.      Mô tả niệu mạc bình thường của bàng quang.
  • Bàng quang bình thường được lót bởi biểu mô tế bào chuyển tiếp có độ dày 3- 7 lớp tế bào. Lớp tế bào đáy nằm trên màng đáy và được bao phủ bởi nhiều lớp tế bào trung gian, lớp tế bào nông nhất ở bề mặt là những tế bào hình dù phẳng. Màng đáy bao gồm những cơ niêm không liên tục và rất giàu lympho. Lớp cơ nằm bên dưới lớp màng đáy.
 
3.       Các sang thương thâm nhiễm nào ở màng đáy có thể nhầm lẫn với TCC?
  • Tăng sản biểu mô: tăng sinh lành tính niệu mạc, đáp ứng với tình trạng viêm và kích thích lâu ngày.
  • Tăng sản không điển hình: gia tăng số lượng các lớp của tế bào và nhân không điển hình kèm theo sự mất trật tự các lớp của tế bào dù. Ðây là sự biến đổi tiền ung thư.
  • Inverted papilloma: là sang thương lành tính xảy ra do đáp ứng với tình trạng nhiễm trùng hoặc tình trạng chấn thương. Ðây là sang thương tăng sinh dưới niêm mạc xảy ra ở vùng tam giác và cổ bàng quang được che phủ bởi niệu mạc bình thường.
  • Cystitis systica: cơ bản là những sang thương Von Brunns nests có kèm theo một số thay đổi mô học. Trung tâm của tiểu đảo chứa đầy một chất dịch và nhìn có vẻ giống dạng nang hơn là dạng tuyến
  • Von Brunns nests: là những tiểu đảo chứa niệu mạc có vẻ lành tính nằm trong lớp dưới niêm, là hậu quả của sự tăng sinh nhô vào bên trong của lớp tế bào đáy. Ðây là một biến đổi mô học bình thường.
  • Cystitis glandularis: cơ bản là những sang thương Von Brunns nests có thêm sự thay đổi mô học. Biểu mô tế bào chuyển tiếp chuyển sản tuyến và các tế bào có dạng hình trụ kèm theo tương bào chứa chất nhầy. Cystitis glandularis có thể biểu hiện dưới dạng papilloma và thường đi kèm với bệnh lipomatosis vùng chậu và có thể gây ra adeno- carcinoma
  • Nephrogenic adenoma: là sang thương lành tính xảy ra do đáp ứng với tình trạng nhiễm trùng hoặc tình trạng chấn thương. Về đại thể có dạng papilloma. Mô học có cấu trúc giống ống thu thập của thận.
  • Squamous metaplasia: sự tăng sinh và dị sản lành tính, niệu mạc bình thường được thay thế bởi biểu mô lát không sừng hoá. Ðại thể là những mảng màu trắng ở vùng tam giác thường gặp ở phụ nữ.
 
4.    Ung thư bàng quang thường có dạng mô học gì?
90% là TCC. Ngoài ra có thể gặp adeno- carcinoma, carcinoma tế bào gai và urachan- carcinoma.
Ngoài ra có thể gặp các bướu có cấu trúc không phải bướu niệu mạc ở bàng quang bao gồm:
  • Carcinoma tế bào nhỏ
  • Lymphoma
  • Leiomyosarcoma
  • Pheochromocytoma
  • Carcino- sarcoma
  • Bướu di căn
 
 5.       Ðịnh giai đoạn TCC của bàng quang.
  • TCC được chia thành: bướu nông (không xâm lấn) và bướu xâm lấn. Bướu không xâm lấn có dạng u nhú hoặc dạng phẳng và không xâm lấn vào lớp cơ. Bướu dạng phẳng là carcinoma in situ (CIS), đại thể là những mảng màu đỏ bao gồm những TCC có độ biệt hoá cao. Bướu xâm lấn thường là bướu đặc.
 
Ta
Khu trú niêm mạc
T1
Xâm lấn màng đáy
Tis
CIS trong biểu mô
T2
Xâm lấn lớp cơ nông
T3a
Xâm lấn cơ sâu
T3b
Xâm lấn mỡ quanh bàng quang
T4
Xâm lấn các cấu trúc lân cận.
 
 6.       TCC được phân độ biệt hóa theo mô học như thế nào?
  • Ðộ biệt hóa dựa vào mức độ loạn sản của tế bào. Thông thường chia thành: biệt hóa tốt, biệt hóa trung bình và biệt hóa kém tương ứng với grade thấp, trung bình và cao. Ða số CIS là biệt hóa tốt.
 
7.      Giải thích sự khác biệt giữa papilloma và TCC biệt hóa tốt.
  • Papilloma là một bướu có độ biệt hóa bằng không. Ðây là một sang thương dạng nhú, có một lỏi sợi mạch máu được che phủ bởi niệu mạc bình thường. TCC biệt hóa cao là một loại u nhú có niệu mạc dày lên, dị sản nhẹ và đa dạng.
 
 8.      Các bất thường về tế bào học trong TCC?
  • Các bất thường (thêm, mất hoặc tái sắp xếp) của các nhiễm sắc thể 3,5,7,9,11. Trisomy nhiễm sắc thể 7 và mất toàn bộ hoặc mất một phần nhiễm sắc thể 9 và 11p thường gặp nhất.
 
9.      Lâm sàng của ung thư bàng quang?
  • Triệu chứng thường gặp nhất là tiểu máu không đau, đặc biệt là trong trường hợp bướu không xâm lấn. Các triệu chứng kích thích (tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu khó) gợi ý CIS hoặc bướu xâm lấn. Các triệu chứng khác bao gồm: đau hông lưng do tắc niệu quản, khối u đáy chậu hoặc các triệu chứng do di căn.
 
 10.   Các yếu tố tiên lượng, khuynh hướng xâm lấn ở những bướu không xâm lấn?
Ðộ biệt hoá của bướu, giai đoạn của bướu, sự hiện diện của CIS là những yếu tố tiên lượng quan trọng nhất.
Ngoài ra còn các yếu tố:
  • Xâm lấn hạch bạch huyết.
  • Kích thước
  • Ða ổ
  • Ploidy
  • Tần suất tái phát
  • Nhiễm sắc thể đánh dấu
  • Dấu ấn của kháng thể Lewis X
  • Dấu ấn của p53
  • Mất dấu ấn của protein Rb
 
 11.  Lâm sàng của CIS?
  • CIS có thể không có triệu chứng hoặc có triệu chứng kích thích (tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đau). Có thể nhầm lẫn với bướu tiền liệt tuyến, nhiễm trùng, viêm bàng quang kẽ hoặc bàng quang thần kinh.
  • CIS thường xảy ra ở nam giới, có thể xảy ra đơn độc hoặc đi kèm papilloma không xâm lấn, TCC không xâm lấn.
  • CIS có triệu chứng là do sang thương lan toả khắp niệu mạc. Khi đi kèm với các bướu khác, CIS thường đa ổ và bao quanh đáy của một u nhú có độ biệt hóa cao. Nếu CIS đi kèm với papilloma thì dễ tái phát và dễ xâm lấn.
  • Tế bào học nước tiểu hầu như dương tính trong tất cả các trường hợp CIS vì tế bào bướu rất dễ tróc ra khỏi màng đáy.
 
12. Bệnh nhân nghi ngờ TCC thì phải làm gì?
  • Phải làm tế bào học nước tiểu, soi bàng quang và sinh thiết hoặc cắt bướu. Ngoài ra còn phải có hình ảnh học đường tiết niệu trên. Ở một số bệnh nhân cần phải sinh thiết niệu đạo tiền liệt tuyến.
 
 
 13.   Có nên sinh thiết ngẫu nhiên niêm mạc bình thường khi cắt bướu không xâm lấn?
  • Ðiều này còn đang bàn cãi. Một số tác giả cho rằng việc phát hiện ra loạn sản hoặc CIS khu trú có ý nghĩa tiên lượng và ảnh hưởng đến quyết định điều trị. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu cho rằng sinh thiết ngẫu nhiên không ích lợi mà còn có bất lợi là gieo rắc bướu vào những nơi sinh thiết.
 
 14.   Hình ảnh học lý tưởng để đánh giá bệnh nhân TCC?
  • Phải đánh giá chức năng thận, tìm sự bất thường của chủ mô thận và phải thấy được niệu mạc của đường tiết niệu trên. Ðiều này có thể đạt được tốt nhất bằng UIV, siêu âm thận và UPR.
 
  • CT bụng và chậu không được chỉ định trong trường hợp bướu không xâm lấn vì rất ít khi bướu xâm lấn ra khỏi bàng quang. MRI thì không có khả năng phân biệt được độ sâu của sự xâm lấn bướu. Ở những bệnh nhân có bướu xâm lấn CT scan giúp xác định mức độ xâm lấn các cơ quan lân cận và xâm lấn hạch. CT âm tính vẫn không loại trừ được di căn hạch vi thể.
 
15.  TCC không xâm lấn của bàng quang có thể gây thận ứ nước hay không?
  • Thường là không. Nếu có hiện diện thận ứ nước, thường do tắc nghẽn niệu quản nội thành. Ðây là dấu hiệu của TCC xâm lấn.
 
16.    Ðiều trị TCC không xâm lấn?
  • Ðiều trị ban đầu là cắt bướu qua ngã niệu đạo.
  • Bướu Ta độ biệt hóa tốt (độ 1 đến 2) sẽ theo dõi định kỳ bằng soi bọng đái (và cắt đốt bướu bổ sung nếu cần). Nếu bướu xảy ra nhiều chỗ, tái phát nhiều lần hoặc nếu Ta grade 3/ T1thì cần phải kết hợp hoá trị miễn dịch tại chỗ trong bọng đái.
  • Theo dõi bằng soi bọng đái mỗi 3 tháng trong 2 năm đầu, sau đó mỗi 6 tháng trong 1-2 năm tiếp theo, kế tiếp theo dõi mỗi năm. Gần đây một số nghiên cứu cho rằng bướu có độ biệt hoá tốt có thể theo dõi bằng tế bào học nước tiểu để giảm bớt số lần soi bọng đái.
 
17.  Thuốc hiệu quả nhất để bơm vào bọng đái điều trị TCC không xâm lấn?
  • Miễn dịch liệu pháp với bacille Calmette-Guerin (BCG) và Mitomycin C.
 
18.   Tác dụng phụ của BCG?
  • Các triệu chứng kích thích bàng quang tại chỗ là nổi bật nhất. Triệu chứng toàn thân thường gặp là sốt nhẹ đau cơ. Sốt cao kéo dài trên 24- 48 giờ và/ hoặc triệu chứng nặng hơn thì phải sử dụng thuốc kháng lao. Một số trường hợp tử vong do phản ứng toàn thân "BCGosis" thường xảy ra sau khi bơm vào bàng quang nhưng có làm tổn thương niệu đạo.
 
19.  CIS được điều trị như thế nào?
  • Vì bệnh sử tự nhiên của CIS rất biến đổi, một số bệnh nhân có? nhiều đợt tái phát nhưng bệnh không tiến triển nhưng một số người khác thì bệnh diễn tiến rất nhanh sau khi chẩn đoán và có di căn mặc dù được điều trị sớm. Ðiều trị hàng đầu trong trường hợp CIS lan toả là miễn dịch lịêu pháp tại chỗ trong bàng quang với BCG, tỷ lệ đáp ứng là 70%.
  • Ðiều trị CIS tái phát hoặc kháng trị sau khi dùng BCG: còn nhiều tranh cãi, tiếp tục bơm BCG hoặc mitomycin C hoặc interferon alpha hoặc cắt bàng quang tận gốc.
  • CIS thất bại sau 2 đột hoá trị tại chỗ có nguy cơ tình trạng ung thư rất cao, nên cắt bàng quang.
 
20.Mục tiêu của hoá trị liệu hoặc miễn dịch trị liệu trong bàng quang?
 
Giai đoạn
Mục đích
Ta, biệt hoá tốt, tái phát nhiều lần
Ngăn ngừa hoặc làm giảm tỷ lệ tái phát
T1 biệt hóa kém
Ngăn ngừa tái phát và xâm lấn cơ
CIS lan toả
Loại trừ bướu
 
21.  Vai trò của laser trong điều trị TCC
  • Nd YAG có thể dùng để đốt bướu không xâm lấn có độ biệt hóa tốt, tái phát. Bệnh nhân không cần nằm viện vì không cần gây mê. Ngoài ra ít có nguy cơ phát tán bướu. Tuy nhiên bất lợi là không thể cắt bướu để sinh thiết được cho nên chỉ sử dụng hạn chế ở những bệnh nhân bướu tái phát mà nguy cơ xâm lấn thấp.
 
22.  Nguy cơ TCC đường tiểu trên sau khi có chẩn đoán TCC bàng quang?
  • 5% bệnh nhân bị TCC bàng quang có TCC đường tiểu trên.
 
23. Nguy cơ TCC bàng quang sau khi có chẩn đoán TCC đường tiểu trên?
  • 40- 70%
 
24.   Ðiều trị TCC xâm lấn cơ?
  • Cắt bàng quang tận gốc. Tuy nhiên khoảng 50% bệnh nhân đã có di căn tiềm ẩn khi được chẩn đoán vì vậy chỉ cắt bàng quang vẫn chưa phải là phương pháp điều trị tận gốc được.
 
25.   Các vị trí thường bị di căn trong TCC xâm lấn?
  • Theo đường bạch huyết: hạch bạch huyết chậu bao gồm hạch bịt, hạch chậu ngoài, hạch cạnh bàng quang và hạch chậu chung.
  • Theo đường máu: gan, phổi, xương, thượng thận, ruột.
 
 26.   Sự khác nhau giữa cắt bàng quang tận gốc và cắt bàng quang đơn thuần?
  • Ở nam giới, cắt bàng quang tận gốc bao gồm nạo hạch chậu 2 bên, cắt rộng bàng quang và tiền liệt tuyến, lấy đi ống niệu rốn, một phần phúc mạc che phủ bàng quang và các cuống mạch máu. Trong một số trường hợp chọn lọc có thể cắt bàng quang - tiền liệt tuyến bảo tồn thần kinh (bóc tách giới hạn các cuống mạch máu phía sau của bàng quang) mà không ảnh hưởng đến việc kiểm soát ung thư
  • Ở nữ giới, cắt bàng quang tận gốc bao gồm đoạn chậu trước (lấy đi cả tử cung, vòi trứng, buồng trứng, thành trước âm đạo và toàn bộ niệu đạo)
 
27.   Tần suất TCC tiền liệt tuyến (không dự đoán được trước mổ) ở những bệnh nhân cắt bàng quang tận gốc do bướu bàng quang xâm lấn?
  • 45%. Vì vậy ở những bệnh nhân chuẩn bị làm phẫu thuật thay thế bàng quang nên sinh thiết tiền liệt tuyến qua ngã trực tràng và qua ngã niệu đạo thường quy.
 
28.    Tần suất TCC niệu đạotái phát sau cắt bàng quang. Có nên cắt niệu đạodự phòng ở tất cả nam giới hay không?
  • Tỷ lệ tái phát lâm sàng chỉ 7- 10% nên không cần thiết phải cắt niệu đạo thường quy nhưng bệnh nhân phải được thử tế bào học niệu đạo định kỳ. Tuy nhiên nếu TCC xâm lấn tiền liệt tuyến thì tỷ lệ tái phát rất cao. Những bệnh nhân này phải được cắt niệu đạo dự phòng.
 
29.   TCC xâm lấn có thể điều trị bằng cắt bướu qua ngã niệu đạothuần túy hay không?
  • Những bệnh nhân bướu lúc phát hiện nhỏ chỉ xâm lấn lớp cơ nông (T2) thì có thể điều trị bằng cách cắt qua niệu đạo . Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống tương đương với cắt bàng quang tận gốc. 
 
30. Vai trò của cắt bàng quang bán phần trong TCC xâm lấn?
  • Cắt bàng quang bán phần có thể áp dụng ở những bệnh nhân bướu lần đầu, khu trú một vị trí, độ biệt hoá tốt, bướu nằm xa miệng niệu quản và sàn bàng quang mà khi mổ có thể đảm bảo được ranh giới an toàn 2 cm. Lưu ý khi sinh thiết phải sinh thiết ngẫu nhiên nhiều chỗ để phát hiện sự hiện diện của CIS hoặc dị sản nhiều chỗ. Những trường hợp này có chỉ định cắt bàng quang tận gốc hơn là cắt bàng quang bán phần.
 
 31.   Hóa trị liệu tiền phẫu hoặc hậu phẫu sau cắt bàng quang tận gốc có ích lợi gì trong điều trị TCC xâm lấn.
  • Hóa liệu pháp tiền phẫu có tỷ lệ đáp ứng ở 50% bệnh nhân nhưng vẫn cần phải cắt bàng quang.
  • Một số nghiên cứu thấy rằng có sự gia tăng vừa phải tỷ lệ sống ở những bệnh nhân bướu bàng quang (đã có xâm lấn mỡ quanh bàng quang hoặc xâm lấn hạch) có hóa liệu pháp hỗ trợ sau cắt bàng quang toàn phần.
 
32.    Sự tiện lợi và bất tiện của bàng quang hồi tràng có miệng chuyển lưu tận và miệng chuyển lưu quai?
  • Cả hai đều có chức năng và tỷ lệ biến chứng như nhau. Miệng chuyển lưu tận dễ bị những biến chứng do thiếu máu. Thuận lợi của miệng chuyển lưu quai là dễ "lộn tay áo".
 
33.  Các yếu tố quan trọng nhất để đạt được kết quả tốt sau mổ bàng quang hồi tràng?
  • Giáo dục bệnh nhân
  • Vị trí đặt miệng chuyển lưu
  • Miệng chuyển lưu lộn tay áo không bị thiếu máu mặt mạc treo.
 
 34.    Mô tả hội chứng chuyển lưu hổng tràng.
  • Hạ natri/máu, hạ clor/máu, tăng kali/ máu và toan chuyển hóa do tăng hấp thu của hồng tràng so với hồi tràng. Xảy ra ở những bệnh nhân chuyển lưu hổng tràng. Mức độ nặng tùy thuộc độ dài của đoạn ruột chuyển lưu và/hoặc tình trạng suy thận.
 
 35.    Các hình thức chuyển lưu nước tiểu?
  • Chuyển lưu không kiểm soát: chuyển lưu hồi tràng (Bicker) hoặc đưa 2 niệu quản ra da. Phương pháp đơn giãn nhất và ít có những biến chứng nặng nhưng giới hạn ở chỗ bệnh nhân phải dùng túi đựng nước tiểu bên ngoài.
  • Chuyển lưu có kiểm soát qua da (Koch hoặc Indiana): có túi chứa bên trong và một cơ chế van để ngăn ngừa trào nước tiểu liên tục ra ngoài. Bệnh nhân cần thông tiểu sạch cách quãng nhiều lần trong ngày.
  • Chuyển lưu tư thế vào niệu đạo: túi chứa làm từ hồi tràng hoặc đại tràng hoặc cả hai, nối vào niệu đạo. Ða số bệnh nhân có thể đi tiểu gần như bình thường, chỉ 10% bệnh nhân cần thông tiểu sạch cách quãng
 
36.    Những bệnh nhân có di căn hoặc bướu tại chỗ không lấy được hết thì điều trị như thế nào?
  • Hóa trị liệu kết hợp dựa trên Platinum. Công thức thường dùng nhất là MVAC (Methotrexate, Vinblastin, Adriamycin và Cisplatin). Nhưng CMV (MVAC không có Adriamycin) và CISCA (Cisplatin, Adriamycin, Cyclophosphamide) đã được dùng với những tỷ lệ đáp ứng tương tự
 

 

Hội nghị   |   Chủ đề   |   Đào tạo   |   Hội viên

Trang web được quản lý và điều hành bởi Hội Tiết Niệu - Thận Học Tp. Hồ Chí Minh
Bản quyền © 2009 thuộc về Hội Tiết Niệu - Thận Học Tp. Hồ Chí Minh
Designed by Viet Net Nam Co., Ltd.