Chủ đề

[PCNL] - [SMP] - TÁN SỎI THẬN QUA DA Ở TRẺ EM
07-06-2020  23:11:41 GMT +7

KẾT QUẢ BAN ĐẦU PHẪU THUẬT LẤY SỎI THẬN QUA DA TRÊN TRẺ EM: NHÂN 3 TRƯỜNG HỢP ĐẦU TIÊN

Lê Trọng Khôi*, Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng*, Đỗ Anh Toàn**, Nguyễn Đạo Thuấn**, Nguyễn Ngọc Thái**, Nguyễn Xuân Chiến*, Phan Thành Thống*, Lê Tấn Hùng***, Trang Võ Anh Vinh*

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Sỏi niệu ở trẻ em là bệnh lý hiếm gặp, điều trị bằng phẫu thuật ít xâm hại có thể gặp khó khăn vì phải trang bị dụng cụ phẫu thuật kích thước nhỏ, bác sĩ phẫu thuật (Niệu Nhi, Phẫu thuật Nhi) có thể không có nhiều kinh nghiệm điều trị phẫu thuật.

Mục tiêu: Đánh giá kết quả trong loạt ca lấy sỏi qua da đường hầm siêu nhỏ trên bệnh nhân nhi (Super mini PCNL- SMP).

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Vào tháng 4/2020 phẫu thuật cho 3 bệnh nhân nhi bị sỏi thận. Sau khi tạo đường hầm siêu nhỏ (Amplatz 8-12 Fr) vào đài thận dưới hướng dẫn C-arm, soi vào thận tiếp cận sỏi dùng laser Holmium tán vụn sỏi, đặt thông JJ 5Fr niệu quản xuôi dòng, mở thông thận ra da bằng thông Foley 8-12 Fr. Hậu phẫu kiểm tra sỏi sót bằng chụp KUB + Siêu âm và ghi nhận các biến chứng.

Kết quả: Một bé trai 3 tuổi, 1 bé gái 6 tuổi và 1 bé gái 10 tuổi. Phân độ ASA I trong cả 3 trường hợp. Sỏi bên trái:1 trường hợp; bên phải: 2 trường hợp. Tất cả đều sỏi mổ lần đầu tiên, bé trai đã phẫu thuật hẹp khúc nối trước đó 1 năm. Ba trường hợp đều có bạch cầu niệu dương tính có cấy nước tiểu và sử dụng kháng sinh điều trị trước mổ. Kích thước sỏi từ 10 đến 36mm. Vị trí sỏi ở đài dưới: 2 trường hợp, bể thận khúc nối: 1 trường hợp; Mức độ thận ứ nước trên MSCT:  độ I:  2 trường hợp;  độ II: 1 trường hợp; Thời gian mổ từ 50-70 phút. Đường vào đài trên 1 trường hợp ; đài dưới 2 trường hợp. Tán vụn sỏi bằng laser Holmium rồi cho mảnh sỏi trôi ra với áp lực dòng nước chảy ngược hoặc dùng rọ bắt sỏi. Đặt thông JJ xuôi dòng trong cả 3 trường hợp. Thay đổi huyết sắc tố (Hb) sau mổ : 0,2- 0,6 g/dL. Tỉ lệ sạch sỏi đạt 100%. Thời gian nằm viện sau mổ từ 2-5 ngày. Biến chứng sau phẫu thuật:1 trường hợp bị tụt thông JJ bệnh nhi có biểu hiện đau quặn thận phải đặt lại thông JJ. Không có trường hợp nào chuyển mổ mở. 

 Kết luận: Đây là 3 trường hợp đầu tiên Khoa Niệu bệnh viện Bình Dân thực hiện lấy sỏi qua da trên trẻ em<10 tuồi. Kết quả 3 trường hợp này là đáng khích lệ với lượng máu mất ít, thời gian mổ ngắn, không có biến chứng nặng sau mổ. Cần thực hiện nghiên cứu với mẫu lớn hơn để đánh giá đầy đủ hơn tính hiệu quả và độ an toàn của kỹ thuật này trên trẻ em. 

Từ khóa: Lấy sỏi thận qua da qua đường hầm siêu nhỏ, Sỏi thận ở trẻ em, Phẫu thuật ít xâm hại

(*) Khoa Điều trị phẫu thuật sỏi thận chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, **Bộ môn Tiết niệu học, Trường ĐH Y Dược TP.HCM ( ***) Bệnh viện Nhi Đồng 1, TpHCM.

Liên hệ tác giả: Lê Trọng Khôi, ĐT: 0936886879,  E-mail: drletrongkhoi@gmail.com

ABSTRACT

OPERATIVE OUTCOMES OF SUPER MINI PERCUTANEOUS NEPHROLITHOTOMY IN CHILDREN : THE FIRST 3 CASES

Le Trong Khoi*, Nguyen Phuc Cam Hoang*, Do Anh Toan**, Nguyen Dao Thuan**, Nguyen Ngoc Thai**, Nguyen Xuan Chien*, Phan Thanh Thong* Le Tan Hung***, Trang Vo Anh Vinh*

SUMMARY

Introduction: Urinary lithiasis in children is a rare disease, its management with minimally invasive surgery could be challenging because of the using of small-sized surgical instruments, the surgeons (Pediatric surgeons, Pediatric Urologists) might be inexperienced in this kind of surgery. 

Objectives: To evaluate the outcomes of an initial small series of super mini percutaneous nephrolithotomy (SMP)performed in 3 pediatric patients. 

Materials and Methods: In April 2020, three pediatric patients with kidney stones were performed SMP successfully in our center. We created a super-mini tunnel into the kidney using dilators and a small-sized nephroscope placed through a metal access sheath (Amplatz 8-12 Fr) under the C-arm, we achieved stone fragmentation via Holmium laser lithotripsy then placed a doubled-J (5 Fr) downstream into the urerter and a nephrotomy tube (Foley catheter 8-12 Fr). Postoperative evaluation included investigation for residual stones by KUB and ultrasound and documentation of complications.

Results: A 3 year-old boy, a 6 year-old girl and a 10 year-old girl were operated on. Preoperative ASA scores were I in all 3 cases. Left kidney stones: 1 case, Right kidney stones: 2 cases. All of the 3 children were undergoing kidney stonesurgery for the first time. The boy had undergone dismembered pyeloplasty for uretero-pelvic junction ostruction one yearbefore. Leucocyturia was positive in all 3 cases, we got their urine samples to be cultured and treat with antibiotics before the procedures. Stones size: from 10 to 36mm. Stone position: Lower calyx:2 cases, renal pelvis (uretero-pelvic junction): 1 case; The severity of hydronephrosis in MSCT: Grade I: 2 cases; Grade II: 1 case; The operating time: from 50-70 minutes. Access to renal calyx: upper calyx in 1 case; lower calyx in 2 cases. Stones were fragmented by Holmium laserlithotripsy and fragments flushed out under irrigation water pressure or grasped by basket. Doubled-J stents were placeddownstream in all 3 cases. Postoperative hemoglobin change: 0.2-0.6 g/dL. The stone-free rate was 100%. Post-operative hospital stay was: 2-5 days. Post-operative complications: one patient had persistent abdominal pain due to doubled-J stent downward dislocation, necessitating replacement of the doubled-J stent retrogradely. There was open surgery conversion.

Conclusion: These are the first 3 cases of SMP performed in children patients younger than 10 years old at Binh Dan hospital. The outcomes of this series are encouraging with minimal blood loss, short operating time, short hospital stay and no major complications. Larger patient series is needed to fully assess the effectiveness and the safety of this technique in children.

Keywords: Super mini percutaneous nephrolithotomy, Kidney stones in children, Minimally invasive surgery. 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo Hướng dẫn điều trị của Hội Tiết niệu châu Âu 2020, lấy sỏi thận qua da (PCNL) là phương pháp điều trị lựa chọnhàng đầu cho sỏi thận lớn (>20 mm) hay sỏi nhỏ hơn (10-20 mm) nằm ở đài dưới không thuận lợi cho tán sỏi ngoài cơ thể(ESWL). Để làm giảm biến chứng liên quan đến việc dùng dụng cụ kích thước lớn như chảy máu, đau hậu phẫu, tổn thương nhu mô thận và thời gian nằm viện kéo dài, PCNL tiêu chuẩn được phát triển theo hướng dùng dụng cụ nhỏ hơn: lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ (mini-PCNL) dùng ống soi thận từ 11-18 Fr hay lấy sỏi thận qua da đường hầm siêu nhỏ (super mini PCNL- SMP) dùng ống soi thận từ 8-12Fr, dùng năng lượng laser để tán sỏi.

Y văn từ năm 1997 đến nay có rất nhiều báo cáo về PCNL trên trẻ em trong đó kết luận về đường hầm lớn hơn 20 Fr làm tăng tỷ lệ biến chứng nặng như chảy máu, và kết quả của các phẫu thuật với đường hầm < 20 Fr cho tỷ lệ sạch sỏi hiệu quả từ 75,8% -95% [1,5,11].

Hiện nay y văn trong nước chưa ghi nhận về PCNL cho trẻ em tại Việt Nam. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu loạt 3 trường hợp mổ đầu tiên để bước đầu đánh giá kết quả của SMP trên trẻ em. 

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng

Ba bệnh nhi sỏi thận nhập viện bệnh viện Bình Dân trong tháng 4/2020 để phẫu thuật lấy sỏi. 

Phương pháp nghiên cứu: Tiến cứu mô tả loạt ca.

Trang thiết bị dụng cụ:

Bộ lấy sỏi thận qua da super mini PCNL  8Fr-12Fr (Karl Storz®) (Hình 1)

Dụng cụ chọc dò thận và nong tạo đường hầm: Kim16 Gauge chọc dò (4,85Fr); bộ nong nhựa.

Máy tán sỏi laser Holmium YAG, 40W, 20Hz, dây laser nhỏ: 272 µm, 

Dây dẫn (guidewire) loại nhỏ, thông JJ số 3, 4, 5 Fr.  chiều dài 15cm và 22cm. (Hình 2)

Thông Foley 6-12Fr, thông niệu quản số 5 Fr. ( Hình 2)

Máy C-arm, máy siêu âm. 

Kỹ thuật mổ:

Vô cảm: gây mê nội khí quản. Bệnh nhân nằm ngửa tư thế giang rộng 2 chân, 

Soi bàng quang, dưới C-arm đặt thông niệu quản bên thận có sỏi cần phẫu thuật. 

Chuyển bệnh nhân nằm sấp với một gối nhỏ độn ở vùng bụng-thắt lưng. 

Chọc dò đài thận dưới hướng dẫn C-arm. Luồn dây dẫn vào đài trên hoặc xuống niệu quản. Dùng bộ nong nhựa tạo đường hầm đến 8-12 Fr. Đặt Amplatz số 8-12Fr có sử dụng safety guide

Đặt máy soi thận (7.5-11.5Fr) vào đường hầm tìm sỏi, dùng máy tán sỏi laser Holmium tán vụn sỏi, dùng rọ (nếu sử dụng máy soi 12 Fr có kênh lớn hơn) hoặc dùng áp lực nước chảy ngược để đẩy các mảnh sỏi ra ngoài qua Amplatz. Kiểm tra sỏi vụn bằng C-arm.

Đặt thông JJ (3- 5 Fr, 15-22cm) xuôi chiều dưới C-arm. Dẫn lưu thận ra da qua đường hầm bằng thông Foley 8-12 Fr.

Hậu phẫu: Rút thông tiểu, chụp KUB, siêu âm bụng kiểm tra ngày hậu phẫu 2. Nếu sạch sỏi sẽ kẹp thông thận trong ngày hậu phẫu 2 trong vòng 24 giờ. Nếu không có triệu chứng đau hay sốt thì rút thông thận sau 72 giờ. Tiêu chuẩn sạch sỏi: trên KUB và/hoặc siêu âm hậu phẫu không có mảnh sỏi sót.

KẾT QUẢ

Trong tháng 4/2020 có 3 bệnh nhi bị sỏi thận được thực hiện kỹ thuật SMP tại Khoa Điều trị sỏi thận chuyên sâu bệnh viện Bình Dân lấy sỏi. 

1. Bệnh nhi

Một bé trai 3 tuổi, hai bé gái 7 và 10 tuổi. Chỉ số ASA trước mổ là I trong cả 3 trường hợp. 

2. Đặc điểm bệnh lý

Sỏi bên trái: 1 trường hợp ; Sỏi bên phải: 2 trường hợp

Sỏi mổ lần đầu: cả 3 trường hợp. Tiền căn: bé trai đã được phẫu thuật tạo hình khúc nối bể thận-niệu quản cùng bên mổ sỏi lúc 10 tháng tuổi.

Kích thước sỏi: 10 - 16 – 36 mm.  Số lượng sỏi: 1 viên:  2 trường hợp;  3 viên: 1 trường hợp. 

Vị trí sỏi: Đài dưới: 2 trường hợp;  Sỏi bể thận + đài dưới : 1 trường hợp ( 3 viên kích thước tổng cộng là 36mm). Thận ứ nước trên MSCT:  độ I:  2 trường hợp;  độ II: 1 trường hợp

Ba bệnh nhi đều có bạch cầu niệu dương tính, được cấy nước tiểu làm kháng sinh đồ và dùng kháng sinh điều trị từ 5-7 ngày trước mổ.

3. Phẫu thuật 

Thời gian mổ kéo dài từ 50 – 70 phút. Thời gian tán sỏi bằng laser < 20 phút.

Đường vào thận: đài giữa 2 trường hợp, đài trên 1 trường hợp bé gái 7 tuổi chọc kim và nong vào đài trên (hình 4).

Tán vụn sỏi bằng laser Holmium và lấy mảnh sỏi theo áp lực của dòng nước chảy ngược hoặc dùng rọ nếu dùng máy soi 12 Fr. Đặt thông JJ xuôi dòng trên C-arm tất cả các trường hợp.

Thay đổi Hb sau mổ so với trước phẫu thuật: 0,2 - 0,6 g/dL. 

Trong lúc phẫu thuật trường hợp bé gái 7 tuổi bị tụt dây dẫn dự phòng nên không đặt được thông mở thận ra da, chỉ đặt thông dẫn lưu hố thận. Không có trường hợp nào phải chuyển mổ mở.

4. Kết quả phẫu thuật

Tỉ lệ sạch sỏi đạt 100% (trên Carm và siêu âm bụng, phim KUB hậu phẫu ngày 2).

5. Hậu phẫu, biến chứng sau mổ:

Thời gian nằm viện sau mổ: 2-5 ngày. Có 2 bệnh nhi hậu phẫu ổn nên cho xuất viện sớm vào ngày hậu phẫu 2. 

Không có biến chứng chảy máu, tổn thương các tạng khác hay có mảnh sỏi kẹt niệu quản sau mổ. 

Ghi nhận vào ngày hậu phẫu thứ 1, bé gái 7 tuổi có sốt 38oC, đau bụng quanh rốn, khám bụng mềm, Bạch cầu máu: 22K/µL, MSCT kiểm tra thấy thông JJ (4 Fr-15cm) tụt xuống dưới khúc nối nên quyết định nội soi dưới gây mê đặt lại thông JJ (5 Fr-22cm) đồng thời chuyển qua kháng sinh điều trị, cho thuốc hạ sốt. Sau khi đặt lại thông JJ bé hết đau bụng, hết sốt, kiểm tra công thức máu thấy Bạch cầu máu còn 12k/µL (biến chứng độ IIIb theo phân độ Clavien Dindo).

       

BÀN LUẬN

1. Phương pháp SMP trên trẻ em?

Từ thập niên 1980 của thế kỷ 20, PCNL với kích thước đường hầm 24-30 Fr đã trở thành phẫu thuật tiêu chuẩn điều trị sỏi thận lớn (> 20 mm). Cho đến ngày nay, PCNL vẫn còn là phẫu thuật nhiều thử thách và có thể có các biến chứng nặng như chảy máu, nhiễm khuẩn huyết, thủng tạng.... Do đó giảm kích thước dụng cụ nội soi là xu hướng phát triển để giảm thiểu những biến chứng nặng cũng như có thể sử dụng an toàn trên trẻ em. Năm 1997, Helal và cộng sự sử dụng Amplatz kích thước 15 Fr và máy soi bàng quang 10 Fr cho các bệnh nhi, sau đó vài năm Jackman và cộng sự sử dụng đường hầm cỡ 11Fr để tán sỏi thận cho trẻ em [7,9]. Đường hầm vào thận nhỏ mini PCNL từ 11-20 Fr lúc đầu được dùng cho trẻ em nhưng ngày nay dần được phổ biến trên bệnh nhân người lớn. Gần đây, đường hầm vào thận siêu nhỏ super mini PCNL hay micro PCNL có kích thước từ 4-8, hay 10 Fr cũng đã được áp dụng cho những trường hợp sỏi kích thước tương đối nhỏ và dùng điều trị sỏi thận trẻ em là bước tiến lớn làm tiền đề cho các nghiên cứu sau này. Tại Việt Nam hiện nay có rất ít trung tâm Tiết niệu thực hiện được kỹ thuật này ở trẻ em vì ngoài trang thiết bị còn đòi hỏi kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật trên trẻ em. PCNL trên trẻ em < 10 tuổi cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được báo cáo tại Việt Nam.

Kích cỡ đường hầm và dụng cụ bao nhiêu là hợp lý theo độ tuổi? Các nghiên cứu về PCNL đều kết luận rằng tai biến chảy máu cần truyền máu tỉ lệ thuận với kích thước đường hầm, số lượng đường hầm, kích thước sỏi và thời gian mổ [13]. Một nghiên cứu đa trung tâm trên 1205 bệnh nhân thực hiện khi dùng đường hầm 9,5 Fr, 17 Fr và 26 Fr cho thấy đường hầm kích thước từ 20 Fr làm tăng các biến chứng đáng kể, đặc biệt là chảy máu sau mổ [11]. Bilen và cộng sự đã so sánh việc sử dụng Amplatz số 26 Fr, 20 Fr và 14 F có thay đổi huyết sắc tố trung bình sau phẫu thuật không khác nhau giữa các nhóm; tuy nhiên tỉ lệ truyền máu là cao hơn trong các nhóm có Amplatz 20 Fr và 26 Fr. Tỉ lệ sạch sỏi cao nhất trong nhóm mini-PCNL với đương hầm 14 Fr ở mức 90%, so với 69,5% ở nhóm đường hầm 26 Fr và 80% ở nhóm 20 Fr [3]. Tác giả so sánh sử dụng Amplazt số 24 Fr ở thận của trẻ em tỉ lệ tương ứng với kích thước đường hầm số 72 Fr trên thận người lớn, do đó, việc sử dụng đường hầm nhỏ ở trẻ em thực sự quan trọng cho an toàn phẫu thuật. Các nghiên cứu PCNL ở trẻ em gần đây đa số sử dụng kích thước đường hầm < 20 Fr với hiệu quả tương đương với PCNL tiêu chuẩn ở người lớn. Do đó chúng tôi ưu tiên sử dụng SMP với kích thước dụng cụ nhỏ nhất có thể cho bệnh nhi với mục đích an toàn phù hợp với kích thước thận theo độ tuổi ở trẻ em.

2. Hiệu quả điều trị theo y văn. 

Hiện tại không có định nghĩa chung về sạch sỏi sau PCNL ở trẻ em trên y văn. Somani và cộng sự đề xuất định nghĩa sạch sỏi là không thấy mảnh sỏi trên siêu âm và KUB, vì ở trẻ em bất kỳ kích thước mảnh sỏi nào còn lại đều có thể gây có triệu chứng và cần can thiệp vì đường kính niệu quản nhỏ và thông thận ra da cũng nhỏ nên việc tống sỏi tự nhiên rất khó khăn [17]. Một số tác giả định nghĩa mảnh sỏi nhỏ hơn 3-4 mm là mảnh vụn không có ý nghĩa lâm sàng. Nghiên cứu của Zeng và cộng sự trên mini-PCNL, bao gồm 331 trẻ em với kích thước sỏi trung bình là 2,3 cm, đã báo cáo tỉ lệ sạch sỏi 80,4%, theo dõi sỏi còn lại <4 mm không ảnh hưởng về mặt lâm sàng [18]. Nghiên cứu của Resorlu và cộng sự trên 106 bệnh nhi với kích thước sỏi trung bình là 2,3 cm, tuổi trung bình là 9,6 tuổi, đã báo cáo tỉ lệ thành công là 83,9% cho 93 bệnh nhi có sỏi > 2 cm và 100% cho 13 bệnh nhi sỏi <2 cm. Tỉ lệ này tăng lên 87,9% với sự can thiệp bổ sung lần 2 [12]. Các nghiên cứu về mini-PCNL sử dụng Amplazt <20 Fr có tỉ lệ sạch sỏi được báo cáo là 75,8% - 95% [1,5,11].. 

Loạt bệnh nhi đầu tiên này chỉ có 3 trường hợp nên chưa thể đánh giá so sánh hiệu quả được nhiều. Nhóm nghiên cứu đã rút ra những kinh nghiệm quý giá từ 3 trường hợp này: việc thu nhỏ các dụng cụ nội soi trên SMP và mini PCNL cónhược điểm có thể dẫn đến tăng áp lực do thoát nước không đủ, kéo dài thời gian mổ và giới hạn tầm nhìn ngay cả với chảy máu nhẹ. Trong loạt đầu tiên này việc sử dụng đường hầm siêu nhỏ <12 Fr và sử dụng laser Holmium để tán sỏiđồng thời đặt thông JJ xuôi dòng là cần thiết. Trong loạt này, thời gian mổ với 50-70 phút tương đương với các tác giả khác là từ 65 - 109 phút với kích thước sỏi như nhau. Theo dõi sau mổ rất quan trọng để ngăn ngừa tái phát sỏi thận ở trẻ em. Samad và cộng sự [15] cho rằng nên đánh giá kết quả phân tích sỏi và kiểm tra các rối loạn trao đổi chất điện giải cần thiết. Theo y văn, sỏi thận ở trẻ em có liên quan đến rối loạn trao đổi chất điện giải lên đến 33% - 95% các trường hợp [11]. Những rối loạn này dẫn đến làm tăng nồng độ của các chất chuyển hóa trong nước tiểu như canxi, phốt pho, oxalate, axit uric và cystine. Ngược lại, một số rối loạn chuyển hóa có thể liên quan đến sự bài tiết tác nhân ức chế sự hình thành sỏi, chẳng hạn như citrate, magiê, và pyrophosphate. Tăng calci niệu là rối loạn trao đổi chuyển hóa thường gặp ở sỏi thận trẻ em với tỉ lệ 34% - 97% [11]. 

Bảng 1. Kết quả và biến chứng của một số nghiên cứu lấy sỏi qua da ở trẻ em trên thế giới.

3. Biến chứng và độ an toàn của phẫu thuật. 

Y văn về mini-PCNL có tỉ lệ biến chứng từ 10,6 - 36,3% [1,10]. Những biến chứng nặng cần can thiệp ngoại khoa cấp cứu là: tràn dịch màng phổi gây suy hô hấp, thủng đại tràng, chảy máu nặng đòi hỏi phải lấp mạch, rò nước tiểu.. hay các biến chứng nhẹ có thể điều trị nội khoa như: sốt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.. Chảy máu là một biến chứng nghiêm trọng trong lúc mổ và giai đoạn hậu phẫu ở bệnh nhi vì mức độ chịu đựng kém hơn bệnh nhân người lớn. Biến chứng này có liên quan đến kích thước, số lượng đường hầm, gánh nặng sỏi và thời gian phẫu thuật. Biến chứng chảy máu nặng có thể gây rối loạn huyết động, thay đổi sinh hiệu, dung tích hồng cầu giảm nhanh cần phải truyền máu (Clavien Dindo độ II) được báo cáo ở 0,4 - 24% bệnh nhân và tỉ lệ ít trong số đó cần can thiệp DSA cầm máu [1]. Các báo cáo của Zeng và Farouk [18,5] có kích thước sỏi và kích thước đường hầm tương tự như loạt này của chúng tôi. Báo cáo của Zeng và cộng sự [18] với 331 trẻ em có độ tuổi trung bình 7,8 tuổi với kích thước sỏi trung bình 2,3 cm có tỉ lệ truyền máu là 3,1%. Farouk và cộng sự [5] báo cáo tỉ lệ truyền máu là 3,7% ở trẻ em với độ tuổi 6,4 tuổi và kích thước sỏi trung bình 1,5 cm. Báo cáo xác định rằng tỉ lệ sốt thoáng qua là 31% trong 188 trường hợp hậu phẫu PCNL và không phải lúc nào cũng do nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn tiết niệu hậu phẫu được báo cáo trong khoảng 6% bệnh nhi [1,10]. Các tác giả [1,10] cho rằngcác biến chứng phân độ III Clavien Dindo hiếm gặp và nhiều khả năng liên quan với kỹ năng và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật, đặc biệt trong SMP.

Loạt này có trường hợp bé gái 7 tuổi dự kiến là trường hợp phẫu thuật khó, trường hợp này phải sữ dụng đài trên làm đường hầm vào thận, lúc đặt thông thận ra da thì tụt dây dẫn nên chỉ đặt được thông dẫn lưu hốc thận, ngày hậu phẫu thứ nhất trẻ có sốt, đau vùng quanh rốn sau mổ, công thức máu thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng, cấy nước tiểu dương tính. MSCT xác định nguyên nhân do tụt thông JJ xuống thấp nên quyết định nội soi ngược chiều dưới gây mê để thay thông JJ (thông JJ  4 Fr - 15cm thay bằng thông JJ 5 Fr - 22cm). Sau khi thay JJ khám lâm sàng thấy bé hết đau, hết sốt và được kẹp và rút thông thận ra da cho xuất viện. Nguyên nhân tụt thông JJ có lẽ do đánh giá kích thước chiều dài thông JJ với độ tuổi theo công thức chiều dài thông JJ= tuổi + 10cm là chưa hợp lý.

KẾT LUẬN

Kết quả của loạt mổ đầu tiên lấy sỏi thận qua da dùng SMP trên 3 bệnh nhân trẻ em của chúng tôi là đáng khích lệ với lượng máu mất ít, thời gian mổ ngắn, thời gian nằm viện ngắn, và không có biến chứng nặng. Cần thực hiện nghiên cứuvới mẫu lớn hơn để đánh giá đầy đủ hơn tính hiệu quả và độ an toàn của kỹ thuật này trên trẻ em.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Anand A., Kumar R., Dogra P.N., Seth A., Gupta N.P. (2010), Safety and efficacy of a superior caliceal puncture in pediatric percutaneous nephrolithotomy. J Endourol.24 (11): 1725–8.

2.Badawy H., Salama A., Eissa M., Kotb E., Moro H., et al. (1999), Percutaneous management of renal calculi: experience with percutaneous nephrolithotomy in 60 children. J.Urol;162:1710–3.

3.Bilen CY, Kocak B, Kitirci G, Ozkaya O, Sarikaya S. Percutaneous nephrolithotomy in children: lessons learned in 5 years at a single institution. J Urol. 2007;177:1867

4.Desai M.R., Kukreja R.A., Patel S.H., Bapat S.D. (2004), Percutaneous nephrolithotomy for complex pediatric renal calculus disease. J.Endourol.;18:23–7.

5.Farouk A., Tawfick A., Shoeb M., Mahmoud M.A., Mostafa D.E., Hasan M. (2018), Is mini-percutaneous nephrolithotomy a safe alternative to extracorporeal shockwave lithotripsy in pediatric age group in borderline stones ? a randomized prospective study. World J Urol;36:1139-47

6.Goyal N.K., Goel A., Sankhwar S.N., Singh V., Singh B.P., Sinha R.J. (2014), A critical appraisal of complications of percutaneous nephrolithotomy in pediatric patients using adult instruments. BJU Int.;113(5):801-10.

7.Helal  M.,  Black  T.,  Lockhart  J.,  Figueroa  T.E.  (1997),  The Hickman  peel-away  sheath:  Alternative  for  pediatric percutaneous nephrolithotomy. J.Endourol.; 11:171–2.

8.Holman E, Khan AM, Flasko T, Toth C, Salah MA. Endoscopic management of pediatric urolithiasis in a developing country. Urology. 2004;63(1):159–62. discussion 162.

9.Jackman S.V., Hedican S.P., Peters C.A., Docimo S.G. (1998), Percutaneous nephrolithotomy in infants and preschool age children: experience with a new technique. Urology.;52:697.

10.Kumar R., Anand A., Saxena V., Seth A., Dogra P.N., Gupta N.P. (2011).  Safety and efficacy of PCNL for management of staghorn calculi in pediatric patients. J Pediatr Urol.;7(3):248–51.

11.Onal B., Dogan H.S., Satar N., Bilen C.Y., Güneş A., Ozden E., et al. (2014), Factors affecting complication rates of percutaneous nephrolithotomy in children: results of a multi-institutional retrospective analysis by the pediatric stone disease study group of the turkish pediatric urology society. J. Urol.;191(3):777–82.

12.Resorlu B., Unsal A., Tepeler A., Atis G., Tokatli Z., Oztuna D., et al. (2012) Comparison of retrograde intrarenal surgery and mini-percutaneous nephrolithotomy in children with moderate-size kidney stones: results of multi-institutional analysis. Urology ;80:519-23

13.Sabnis R.B., Chhabra J.S., Ganpule A.P., Abrol S., and Desai M.R.(2014), Current Role of PCNL in Pediatric Urolithiasis. Curr Urol Rep 15:423.

14.Salah M.A., Toth C., Khan A.M., Holman E. (2004), Percutaneous nephrolithotomy in children: experience with 138 cases in a developing country. World J Urol.;22:277.

15.Samad L., Aquil S., Zaidi Z. (2006), Pediatric percutaneous nephrolithotomy: setting new frontiers. BJU Int.; 97:359.

16.Shokeir A.A., Sheir K.Z., El-Nahas A.R., El-Assmy A.M., Eassa W., El-Kappany H.A.(2006), Treatment of renal stones in children: a comparison between percutaneous nephrolithotomy and shock wave lithotripsy. J Urol.176:706–10.

17.Somani B.K., Desai M., Traxer O., Lahme S. (2014), Stone-free rate (SFR): a new proposal for defining levels of SFR. Urolithiasis ;42:95.

18.Zeng G., Zhao Z., Zhao Z., Yuan J., Wu W., Zhong W. (2012), Percutaneous nephrolithotomy in infants: evaluation of a single-center experience. Urology;80(2):408–11.

Hội nghị   |   Chủ đề   |   Đào tạo   |   Hội viên

Trang web được quản lý và điều hành bởi Hội Tiết Niệu - Thận Học Tp. Hồ Chí Minh
Bản quyền © 2009 thuộc về Hội Tiết Niệu - Thận Học Tp. Hồ Chí Minh
Designed by Viet Net Nam Co., Ltd.